Nỗ lực bảo đảm an toàn người dân do Covid-19

Với đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội theo hình thức thực tế của từng địa phương nên tác động nhiều đến mọi mặt đời sống xã hội: Sản xuất, kinh doanh, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an ninh trật tự… toàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN) nói riêng.

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cùng với các địa phương có diễn biến dịch phức tạp, khi số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao thì tại vùng đồng bào DTTS và MN của tỉnh đã xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng, có những ổ dịch phức tạp như bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương; bản La Ngan và bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn; xóm Mới xã Tri Lễ và bản Phong Quang, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong và rải rác các ca F0 tại các huyện Con Cuông, Qùy Châu, Qùy Hợp… Tại những địa bàn có dịch đã được chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp để khống chế kịp thời, đúng quy định.

Hiện tượng công dân các địa phương đi lao động tự do tại các vùng dịch bệnh Covid-19 trở về quê bằng phương tiện cá nhân như xe máy rất phổ biến, trong đó, đồng bào vùng DTTS và MN chiếm số lượng lớn khi trở về đã được cách ly tập trung theo quy định. Quá trình thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tuyến đầu chống dịch, các ca bệnh điều trị F0, các ca cách ly F1, F2, trong đó có đồng bào các DTTS và MN đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ, động viên kịp thời, thiết thực về cả tinh thần lẫn vật chất của các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội. Những bữa ăn thiện nguyện, nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu, các dụng cụ, cơ sở vật chất, thiết bị… phòng, chống dịch bệnh được phân phát, trao tận tay đến đồng bào DTTS là những hình ảnh đẹp, thiết thực lan tỏa trong cộng đồng.

Thực hiện Công văn số 1092/UBDT-TT ngày 9/8/2021 của Uỷ ban Dân tộc về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 vùng đồng bào DTTS và MN, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 441/BDT-TT&ĐB ngày 1/9/2021 để chỉ đạo các phòng dân tộc các huyện triển khai thực hiện, đồng thời yêu cầu báo cáo, cung cấp số liệu về tình hình dịch bệnh để Ban Dân tộc báo cáo cấp có thẩm quyền. 

leftcenterrightdel
 Huyện Kỳ Sơn dựng lán làm khu cách ly tập trung cho người dân từ miền Nam trở về. Ảnh: Xuân Thống

Ông Lương Văn Khánh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hiện nay, theo báo cáo của các huyện, số lao động người DTTS của tỉnh đang làm ăn, sinh sống tại các tỉnh phía Nam có rất nhiều người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và mong muốn được trở về quê hương. Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã nhận được văn bản của Ban Dân tộc các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị phối hợp tuyên truyền, vận động người lao động DTTS tỉnh Nghệ An đang làm ăn trên địa bàn 2 tỉnh này (gần 2.000 lao động, chủ yếu người Mông ở huyện Kỳ Sơn). Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là các lao động tự do, không có hợp đồng lao động gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, có nguyện vọng được trở về quê; rồi một số hộ có việc làm ổn định nhưng do tâm lý hoang mang cũng mong muốn được trở về quê.

Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương, các cấp, các ngành tỉnh Nghệ An đã làm việc với các tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động và đại diện các hộ người DTTS bị ảnh hưởng để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương về phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tuyên truyền và đề nghị người dân yên tâm ở lại lao động sản xuất. Tuy nhiên, “qua nắm bắt thông tin có nhiều người lao động vẫn mong muốn được trở về quê, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương liên quan đã báo cáo các cấp, ngành chức năng để xin ý kiến chỉ đạo”, ông Khánh cho hay.

Hỗ trợ người DTTS vượt qua khó khăn do dịch

Theo thống kê từ cuối tháng 4/2021 đến nay, Nghệ An có hơn 80.000 người làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành có dịch trở về quê, trong đó gần 20.000 người trong độ tuổi lao động bị mất việc, giãn việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, đã có gần 10.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), với hơn 140 tỷ đồng. Số thất nghiệp tăng lên đáng kể, số lao động bị mất việc làm, ngừng việc, giãn việc do dịch Covid-19 cao hơn các năm trước rất nhiều.

Tại huyện Quế Phong, trong đợt dịch Covid-19 đã có rất nhiều lao động từ các vùng dịch trong cả nước như: Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam trở về. Để kịp thời ổn định đời sống và tạo sinh kế cho người lao động trở về địa phương, UBND huyện Quế Phong ban hành kế hoạch hỗ trợ với các nội dung: Người lao động sau khi hoàn thành các biện pháp cách ly phòng, chống dịch trở về cộng đồng, xóm, bản được xem xét hỗ vay vốn từ nguồn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế hộ gia đình hoặc qua Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện kết nối, tạo việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp các đơn vị tuyển lao động truyền thống đã có quá trình kết nối, tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện để giới thiệu ứng tuyển, như: Công ty TNHH Công nghiệp Brother, Công ty May Tinh Lợi Hải Dương, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam... Ngoài ra, tổ chức tư vấn, giới thiệu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn theo các chương trình miễn phí và có phí đang triển khai trên địa bàn.

Ông Lô Minh Điệp, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Quế Phong cho biết thêm, bên cạnh hỗ trợ tạo việc làm tại chỗ và giới thiệu việc làm, huyện còn hỗ trợ an sinh cho các đối tượng này theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và ưu tiên nguồn vaccine được phân bổ để tiêm đủ mũi cho những lao động đăng ký đi làm việc trở lại. Riêng đối với những lao động có nguyện vọng trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đã làm việc trước khi trở về sẽ được hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp và hỗ trợ kinh phí để di chuyển từ địa phương đến doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh trao bò cho cho người dân Kỳ Sơn trở về từ vùng dịch tạo sinh kế. Ảnh: Lữ Phú

Còn ở huyện Kỳ Sơn, theo thống kê của Phòng LĐTB&XH, huyện có khoảng 17.000 công dân từ 14 tuổi trở lên đang học tập, lao động ở ngoài tỉnh. Với số lượng công dân có nhu cầu trở về từ vùng dịch quá lớn sẽ rất khó khăn cho huyện trên nhiều phương diện: Phương tiện đưa đón, khu cách ly, vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các khu cách ly, bố trí sinh kế, việc làm cho người dân, phòng, chống lụt bão, thiên tai… Qua khảo sát cho thấy, có khoảng 7.000 người, chủ yếu đang tuổi lao động là đồng bào các DTTS của huyện Kỳ Sơn trở về từ các tỉnh, thành phía Nam.

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện, đây là nhiệm vụ mà lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cũng như các cấp, ngành trên địa bàn huyện cần chung tay giải quyết. Ngay trong cuối tháng 10 vừa qua, huyện đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm, các công ty, tập đoàn trong và ngoài tỉnh tổ chức giới thiệu việc làm cho người dân từ 18 đến 45 tuổi ở các xã Huồi Tụ, Na Loi, Mường Lống, Bắc Lý, Mỹ Lý, Bảo Nam. Các công ty cũng cam kết có những chính sách đãi ngộ thích hợp cho người lao động. Tại buổi tư vấn, 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Toàn Thắng và Công ty May Hải Anh đã trao số tiền 40 triệu đồng hỗ trợ các hộ nghèo xã Mường Lống mua bò giống phát triển kinh tế gia đình.

“Huyện không xem số người trở về là gánh nặng, mà đó là một nguồn nhân lực dồi dào góp phần phát triển địa phương. Bởi họ đã được tôi luyện trong các nhà máy, xí nghiệp, có tay nghề, kinh nghiệm. Vì vậy, trước mắt, huyện sẽ làm việc với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, thu nhận nguồn lao động này để họ có thu nhập. Tiếp đến sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng dự án nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở xã Na Ngoi; xây dựng khu du lịch ở xã Mường Lống, phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở xã Hữu Kiệm… như nghị quyết huyện vừa phê duyệt. Chắc chắn một lượng lao động không nhỏ sẽ được tuyển dụng vào làm công nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ…

Ngoài ra, huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích ruộng nước để bà con có đất sản xuất. Đồng thời khôi phục lại nhiều diện tích chè lâu nay bị bỏ hoang, xây dựng các hợp tác xã chè để thu hút bà con tham gia… Về lâu dài, số diện tích 83.000ha đất rừng nếu được giao hết cho bà con, ngoài kinh phí khoanh nuôi, bảo vệ, thu hái lâm sản phụ, bà con còn được tham gia dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng, thì đây cũng là “cần câu” bền vững cho bà con sau khi hồi hương” - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn dẫn chứng.

Xuân Thống