Hiện nay, dân số tỉnh Cao Bằng khoảng 535 nghìn người, với 28 dân tộc, đông nhất là dân tộc Tày chiếm 42,54%, dân tộc Nùng chiếm 32,86%, dân tộc Dao chiếm 9,63%, dân tộc Mông chiếm 8,45%, dân tộc Kinh chiếm 4,68%…

Toàn tỉnh còn 28.660 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 22,06%, trong đó có 28.334 hộ nghèo về thu nhập, chiếm tỷ lệ 98,9%; 6.602 hộ gia đình chính sách và hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, cần được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa để sớm ổn định cuộc sống (thời điểm 31/12/2020).

Nhằm hỗ trợ người nghèo, người dân tộc khó khăn, gia đình chính sách, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương về thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng cơ cấu, bộ máy tổ chức, cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo, từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả, chỉ đạo triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.

Từ đó nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, nhân dân về vai trò, ý nghĩa, mục tiêu của công tác giảm nghèo có sự chuyển biến tích cực.

Các chính sách, hỗ trợ đã từng bước giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, trở thành hộ khá giả, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 20,59% (giảm 23.894 hộ), đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 42,53% đầu năm 2016 xuống còn 22,06% vào cuối năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.194 nhà ở cho hộ nghèo với số kinh phí thực hiện trên 86,7 tỷ đồng. 

Từ cuối năm 2020 đến hết tháng 4/2021, từ 35 tỷ đồng nguồn hỗ trợ của Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội, tỉnh đã triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho 884 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Hà Quảng, trong đó đã hỗ trợ xây mới 95 nhà tôn lắp ghép, mức hỗ trợ 55 triệu đồng/01 căn; sửa chữa 179 nhà, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/01 căn; làm mới 610 nhà, mức hỗ trợ 40 triệu đồng/01 căn.  

leftcenterrightdel
Còn nhiều căn nhà dột nát như này ở huyện Bảo Lạc cần được hỗ trợ xây mới. Ảnh: TH 

Qua triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở nói chung, đặc biệt là trên địa bàn huyện Hà Quảng nói riêng đã góp phần rất tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, nâng cao uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp, củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; hỗ trợ, động viên kịp thời các gia đình là hộ nghèo, gia đình chính sách thực sự khó khăn về nhà ở sớm thoát nghèo bền vững, ổn định và nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, số hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao, nhiều hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở, nhà ở dột nát.

Tỉnh Cao Bằng hiện có 7/10 là huyện nghèo, có 132 xã nằm trong danh mục các xã thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 275/QĐ-TTg, ngày 7/3/2018 và Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, giảm nghèo bền vững cho toàn tỉnh, ngày 15/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 04 về lãnh đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2022 hoàn thành việc xoá xong 6.602 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh (trong đó có 598 nhà tôn lắp ghép, 3.160 nhà làm mới, 2.844 nhà sửa chữa).

Giai đoạn 2023 - 2025, hằng năm, tiếp tục rà soát, hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh; kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình nhà ở đã hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình an sinh xã hội lớn, có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với các gia đình chính sách và các hộ nghèo ở địa phương.

Với quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 04, Cao Bằng sẽ huy động sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của hộ gia đình được hỗ trợ, phát huy được sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị nhất là vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu của lực lượng công an.

Nghị quyết cũng nêu rõ, việc thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát phải bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, tạo được sự thống nhất, đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu chung là huy động và tập trung các nguồn lực để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, góp phần thoát nghèo bền vững, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trên tinh thần đó, ngày 30/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh phối hợp với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đồng ý ký và gửi thư kêu gọi ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2021, trọng tâm là thực hiện xóa hơn 6,6 ngàn nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách trong toàn tỉnh.

Ngày 1/10/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Thông báo số 59 về việc tổ chức lễ phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2021 các cấp trong tỉnh.

Thành Nam