Theo kế hoạch, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; thu nhập bình quân đầu người tăng 2 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, 98% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% số hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh…

Định hướng đến năm 2030, cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận xác định 10 dự án thành phần để lồng ghép triển khai như: Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân; thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS; sắp xếp, bố trí, ổn định 90% hộ di cư không theo quy hoạch; quy hoạch sắp xếp, di dời định cư 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào...

Khoa Lê