Mới vào đầu mùa mưa lũ năm nay, nhưng Tây Giang chịu thiệt hại nặng nề.

Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu cơn bão số 8, từ ngày 16 - 19/10/2021, tại Tây Giang xảy ra mưa rất to, nước sông suối trên địa bàn dâng cao bất ngờ; gây thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.

Sông A Vương mực nước dâng cao khiến tuyến đường Hồ Chí Minh từ huyện Đông Giang lên Tây Giang ngập sâu tại địa phận xã A Vương, làm cho huyện bị cô lập hoàn toàn với vùng đồng bằng và tỉnh lỵ Quảng Nam.

Tuyến đường ĐT 606 bị ngập sâu tại 2 vị trí gồm: Km17+250 (cầu Bhalừa) và Km17+650 (ngầm tràn) nước chảy xiết, phương tiện giao thông không qua lại được. Ngoài ra, tại Km49+950 nước tràn mặt đường làm xói mòn taluy âm tạo 2 điểm sạt lở nặng tại xã Tr’hy, cắt đứt hoàn toàn giao thông với 3 xã vùng cao biên giới Việt - Lào gồm: A Xan, Ch’ơm, Ga Ry. Các tuyến đường ĐH 2 đi các xã Atiêng, A Nông, A Xan, Ch’ơm, Ga Ry, A Vương có hơn 15 điểm bị sạt lở nặng, giao thông bị đứt gãy, tê liệt.

Mưa lũ làm hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt nhiều vùng bị cuốn trôi; một số trụ điện hạ thế trên tuyến xã Tr’hy lên khu vực biên giới bị ngã đổ. Chính quyền địa phương đã triển khai sơ tán hàng chục hộ dân tại các điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở tại xã A Vương và xã Dang.

Trước đó, huyện đã chuyển hơn 10 tấn gạo và nhu yếu phẩm cho các xã vùng cao để phòng ngừa khi giao thông bị ách tắc người dân không bị đói lương thực; nhất là thời điểm giáp hạt như hiện nay.

Ông Bling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang nhớ lại, mùa mưa lũ năm 2020 tuy không gây thiệt hại về tính mạng của người dân, nhưng nhiều tài sản, nhà cửa, khu dân cư bị tổn thất nặng nề. 

Đáng kể nhất là tại xã A Rằng, khu dân cư thôn A Rằng 1 gồm 12 hộ dân và thôn Gnil gồm 57 hộ dân bị sạt lở nặng nề phải di dời người dân…

Với địa hình đồi núi cao ngất như Tây Giang, việc tìm một địa điểm mới, an toàn để làm khu tái định cư ổn định cho người dân là rất khó khăn, đòi hỏi kinh phí rất lớn để làm cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Trong năm 2021, từ nguồn kinh phí của Trung ương và tỉnh hỗ trợ, đến cuối tháng 6/2021, UBND huyện mới hoàn thành được 2 khu tái định cư cho nhân dân tại A Xan ổn định cuộc sống…

Từ kinh phí hỗ trợ của TP Đà Nẵng, tháng 5/2021, Tây Giang đã xây dựng mới và hoàn thành được 2 cây cầu treo tại các xã Tr’hy với chi phí 7 tỷ đồng và 4 cây cầu treo tạm tại xã Bahalee với kinh phí 5 tỷ đồng; cùng một số công trình thủy lợi, cống thoát nước tại các tuyến đường giao thông ở các xã này. 

Hơn 120ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị cuốn trôi, sạt lở đất, đá hoàn toàn ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Đến nay, chính quyền và các ngành chức năng cùng người dân đã khôi phục được 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn chưa thể tiếp tục trồng lúa mà tạm thời chuyển sang cải tạo trồng các loại cây hoa màu để cải thiện đời sống. 

Hơn 140 công trình thủy lợi bị hư hỏng, huyện đã tu sửa và nâng cấp được 80 công trình để phục vụ cho nhân dân sản xuất…

leftcenterrightdel
 Học sinh xã biên giới Ch’ơm, Tây Giang lội bùn đến trường do đường bị sạt lở nặng. Ảnh: N.P

Thiệt hại do mưa lũ năm cũ gây ra vẫn chưa khắc phục xong, nhưng khó khăn và lo lắng của Tây Giang lại hiện hữu ra khi bước vào mùa mưa lũ năm nay.

Lo lắng nhất hiện nay là các tuyến đường giao thông thiết yếu, đầu tiên là tuyến đường giao thông huyết mạch tỉnh lộ ĐT 606 dài hơn 70km, nối từ đường Hồ Chí Minh chạy xuyên suốt địa bàn huyện lên cửa khẩu phụ Ch’nốc nằm sát biên giới Việt - Lào.

Mùa mưa lũ trước đã làm con đường này sạt lở nghiêm trọng, chia cắt hoàn toàn các xã vùng cao biên giới như: Tr'hy, A Xan, Ch’ơm, Gia Ry. Đến nay, vẫn còn nhiều điểm từ Km40 đến Km59 của tỉnh lộ này chỉ khắc phục tạm thời, mới bắt đầu mùa mưa lại tiếp tục có hiện tượng sạt lở, giao thông lại bị đe doạ tại các xã vùng cao và đường lên biên giới.

Tại các tuyến đường liên xã, liên thôn, mưa lũ năm 2020 cũng gây sạt lở và cuốn trôi nhiều cây cầu bê tông và cầu treo tại nhiều xã trên địa bàn huyện.

Trường THPT bán trú Võ Chí Công tại xã A Xan bị sạt lở taluy vào cuối năm 2020, UBND huyện đã phải di dời 277 em học sinh về trung tâm huyện cách đó hơn 40km để tiếp tục học tập. Hiện nay đã bước vào năm học mới hơn 1 tháng, nhưng việc sửa chữa và khắc phục vẫn chưa dứt điểm.

Tình hình mưa lũ tại Tây Giang vẫn còn diễn ra phức tạp, công tác phòng, chống mưa lũ đang được triển khai đồng bộ, khẩn trương.

Tuy vậy, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần có kế hoạch và giải pháp căn cơ để hỗ trợ địa phương tháo gỡ, khắc phục, xử lý hậu quả do mưa lũ gây ra như: Tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xử lý khắc phục hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, đất sản xuất, trường học. Đầu tư trang bị hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho các huyện khu vực miền núi, bổ sung các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai cho các lực lượng làm nhiệm vụ…

Nguyên Phê