BHYT là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh hiện nay

Chính sách BHYT được Việt Nam thực hiện từ năm 1992. Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam gia tăng qua từng năm và đang tiến dần tới mục tiêu BHYT toàn dân.

Trong giai đoạn 2008 - 2018, trung bình mỗi năm có 132 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí bình quân 47,5 nghìn tỷ đồng/năm. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm có trên 170 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí bình quân khoảng 100 nghìn tỷ đồng/năm. Nguồn quỹ BHYT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu y tế.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai Luật BHYT tại Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, Việt Nam đang đối mặt tốc độ già hóa dân số nhanh, mô hình bệnh tật thay đổi, y học ngày càng phát triển.

Đặc biệt, với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quá trình thực hiện BHYT tại Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, chính sách BHYT cần thiết phải được điều chỉnh để giải quyết những khó khăn hiện tại cũng như phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Trước các vấn đề đang đặt ra, theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế luôn là ưu tiên của BHXH Việt Nam trong việc xây dựng chính sách nói chung và tổ chức thực hiện chính sách BHYT nói riêng.

Nhấn mạnh về sự cần thiết có sự thay đổi mang tính đột biến trong thực hiện BHYT, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, đầu tiên là thay đổi về mô hình quản lý tài chính BHYT, thứ hai là sự cần thiết về gói BHYT bổ sung, để qua đó đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tăng độ bao phủ BHYT.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, định hướng là làm sao giảm tỷ lệ đóng góp từ tiền túi người dân một cách thấp nhất có thể; không có sự chồng chéo giữa gói dịch vụ y tế (DVYT) cơ bản và gói BHYT bổ sung.

“Dự kiến Luật BHYT (sửa đổi) sẽ đưa vào gói dự phòng, khám sàng lọc chẩn đoán sớm, trong đó quan tâm đến 3 nhóm bệnh là: Nhóm ung thư, nhóm bệnh lao, nhóm bệnh mãn tính không lây nhiễm- với mục tiêu phát hiện bệnh sớm, sàng lọc sớm, điều trị sớm…”, ông Sơn cho hay.

Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) phải đảm bảo sự bền vững của chính sách

Luật BHYT được ban hành năm 2008 và sửa đổi, bổ sung năm 2014. Luật BHYT đang trong quá trình sửa đổi cũng đòi hỏi tìm kiếm các giải pháp bền vững về tài chính để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người dân.

leftcenterrightdel
Với sự quan tâm, nỗ lực từ nhiều phía, hy vọng, chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ảnh minh họa 

Việc sửa đổi Luật BHYT lần này sẽ hướng tới mục tiêu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và xu thế phát triển.

Để BHYT tăng sức hấp dẫn, các cơ quan chức năng đang dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) với chính sách mới. Đó là mở rộng đối tượng tham gia BHYT đến các nhóm đối tượng mà các quy định của luật hiện hành chưa bao phủ hết; đồng thời, mở rộng phạm vi, quyền lợi BHYT, bổ sung một số dịch vụ về chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh.

Chính sách khác đề xuất bổ sung là đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý, điều hành liên quan đến BHYT…

Góp ý cho dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc nêu rõ, chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHYT cần rà soát tất cả các nhóm đối tượng tham gia BHYT đang được quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, trong đó có nhóm đối tượng là người tham gia kháng chiến, nghệ nhân, người nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều...

Còn chính sách mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT cần đánh giá tác động với các chính sách khác liên quan...

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, các quy định của pháp luật hiện hành về BHYT ngày càng thông thoáng, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Với sự quan tâm, nỗ lực từ nhiều phía, hy vọng, chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Độ bao phủ BHXH, BHYT liên tục tăng và mở rộng, tính đến hết ngày 30/4/2022, số người tham gia BHXH đạt trên 16,6 triệu người, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 521 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 15,3 triệu người, tăng 369 nghìn người so với cùng kỳ, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Số người tham gia BHYT trên 85,8 triệu người, đạt tỷ lệ 86,8% dân số. 

Trần Trung