Toạ đàm có sự tham gia của KTS. Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện đô thị xanh Việt Nam và TS. KTS. Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú – Invest…

Tọa đàm tập trung phân tích xu hướng và thị hiếu lựa chọn không gian sống trong đô thị hiện đại; Chia sẻ kinh nghiệm và góc nhìn về những yếu tố tạo nên không gian sống cho cư dân trong đô thị hiện đại, nhất là dưới góc nhìn văn hóa; Kinh nghiệm thực tiễn từ những chủ đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, kiến tạo nên những không gian sống xanh – thông minh, chất lượng và nhân văn.

Phát biểu đề dẫn Toạ đàm, KTS. Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa là 3 trụ cột của nền kinh tế. Để phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là mục tiêu hàng đầu trong quá trình đô thị hóa. Đô thị xanh không chỉ là nhiều cây xanh. Hiểu đầy đủ nó phải là tự cân bằng N2, giảm phát thải cacbon, khi nhà kính vào môi trường, kiểm soát được nguồn chất thải, tái sử dụng chất thải, sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường quản trị, vận hành xanh và cuối cùng là đảm bảo yếu tố cây xanh, mặt nước, văn hóa trong mỗi đô thị, đó cũng chính là yếu tố an cư tối thiểu thời hiện đại mà tôi muốn đề cập trong tọa đàm ngày hôm nay”.

Theo ông Chiến, bởi lợi nhuận đã khiến nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm đến bán nhiều hàng mà bỏ qua không gian sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít chủ đầu tư đã đặt câu chuyện sống xanh - sống thông minh lên hàng đầu và họ không ngừng nghỉ trên hành trình xây đắp, chuyên tâm tạo những giá trị sống đích thực. Có thể nhắc đến như Tập đoàn Văn Phú -  Invest, Capital House, Phúc Khang Corporation…

KTS. Đỗ Viết Chiến nhấn mạnh: “Xây dựng đô thị xanh – thông minh ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng biến đổi khắc nghiệt”.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Đô thị sống hiện đại trong mong muốn của người dân đều có những yêu cầu chung về không gian đẹp, về kiến trúc xanh và thông minh. Chung cư hiện nay không còn là một cái hang để chui ra chui vào nữa. Nếu 20 năm trước, những chung cư cũ là nơi ẩn náu sau khi người dân đi làm về, thì nay, chung cư phải là nơi sống lành mạnh”.

Cũng tại buổi toạ đàm, PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện đô thị xanh Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của không gian xanh trong các dự án nhất là trong bối cảnh không khí ô nhiễm, biến đổi khí hậu.

“Thế nào gọi là đô thị hiện đại? Đây là khái niệm đang bàn cãi rất nhiều. Hiện nay, chính quyền cũng đưa ra các khái niệm về đô thị thông minh, đô thị sinh thái song mỗi đô thị có một cách tiếp cận khác nhau. Đô thị hoá ở Việt Nam có 2 xu hướng là mở rộng và sáp nhập để tạo ra các không gian rộng lớn”, KTS. Nguyên nhận định, “Cách đô thị hoá đã làm biến đổi dần về chất của đô thị. Với những gì đang diễn ra, chúng ta quay lại câu hỏi thế nào là không gian sống có chất lượng tốt”.

Trên góc độ thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng đặt ra vấn đề: “Trong xu hướng sống mới của cư dân đô thị thời hiện đại và công nghệ 4.0. Nhu cầu về nhà ở của người dân có thay đổi? Thay đổi thế nào? Làm sao nhận diện đầy đủ và đúng? Để từ đó đưa ra chiến lược và chính sách về sản phẩm nhà ở, đáp ứng được một cách hiệu quả nhất cho người sử dụng. Đây là vấn đề chắc chắn làm đau đầu nhiều nhà quản trị kinh doanh bất động sản nhất hiện nay”.

Vị lãnh đạo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích, về nhu cầu về nhà ở của mỗi người đều có xu hướng gia tăng. Nhu cầu về không gian sống xanh đã trở thành tất yếu. Cũng theo ông Đính, môi trường sống hiện tại phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, xanh, sạch, đẹp, gần gũi với thiên nhiên, nâng cao giá trị cuộc sống. Bên cạnh đó, không gian sống chất lượng còn phải bắt kịp với xu hướng công nghệ như sự thông minh, khả năng dễ sử dụng, tiện ích tối ưu trong mọi ứng dụng,…

Trên góc độ là một doanh nghiệp theo đuổi không gian sống xanh – thông minh, nhân văn, TS. KTS. Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú – Invest cho rằng, không gian xanh đã trở thành tiêu chí tất yếu trong hành trình kiếm tìm ngôi nhà sống thực sự của khách hàng.

“Yếu tố đầu tiên khi phát triển dự án, doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi: Đối tượng sử dụng là ai. Chính là các cư dân. Họ sống chính ở trong các không gian sống tại các đô thị đó.

Đặc biệt, cư dân là người sử dụng các không gian đó có bền vững hay không. Rõ ràng, người sử dụng là cư dân nên xây dựng đô thị thông minh và xanh phải để người dân hiểu được bản chất đó và chắc chắn phải cho họ tham gia và đóng góp, thấu hiểu. Sau khi xây dựng xong phải có sự đào tạo, hướng dẫn cho các cư dân tham gia chung tay vào cùng duy trì sự bền vững này”, KTS. Toàn chia sẻ.

KTS. Toàn cũng khẳng định: “Bản chất để kiến tạo không gian sống phải cần sự hỗ trợ của Nhà nước, việc xây dựng của các doanh nghiệp và sự chung tay của cư dân”.

   Tại Toạ đàm, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, cho rằng: “Tôi không cổ súy cho phong thủy, nhưng nó đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay thì chúng ta cũng nên cân nhắc đến. Xây nhà cũng xem hướng, mua nhà đất phải xem hàng xóm như nào, điện đường trường trạm ra sao. Chủ đầu tư giao bán ngôi nhà thì cũng cần quảng cáo tiện ích xung quanh như thế nào, khu mua sắm bao xa, gần trường học không, khu vui chơi ở đâu...”

  Ông Doanh nêu vấn đề: “Giá mà chủ đầu tư chú ý hơn một chút đến yếu tố phong thuỷ thì người mua nhà sẽ an tâm hơn. Tôi rất chú ý đến yếu tố “an cư”, liệu mua nhà ở đó họ có an tâm khi sống và ngủ tại căn nhà đó nếu họ không xem xét kỹ về hướng nhà, nơi ở?”

 “Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã quan tâm yếu tố phong thuỷ nhưng mới chỉ quan tâm tâm yếu tố môi trường xung quanh như yếu tố nước quan trọng trong khu chung cư ra sao. Nhưng các yếu tố phong thuỷ cần có sự chung hoà với nhau. Nhà phát triển dự án nếu có thể thoả mãn người dân thì đó là yếu tố tốt nhất. Đặc biệt, hướng cho cư dân đến không gian tâm linh nhất định thì sẽ không có sự sửa chữa, tự xây dựng, cơi nới của cư dân, điển hình đó là không gian ban thờ”, ông Doanh nhận định.

Đồng quan điểm đó, KTS. Tô Như Toàn cũng chia sẻ: “Nói về phong thủy, đúng là các chủ đầu tư xác định phong thủy là một phần rất quan trọng trong đầu tư bất động sản, nhưng cũng không thể nào mê tín. Nếu những nhà phát triển bất động sản chú ý từ đầu đến phong thủy thì khi cư dân về ở không cần sửa chữa, sẽ rất tiết kiệm. Về bếp cũng vậy, chủ đầu tư khi xây nhà cũng thiết kế hết nhưng khi về ở, cư dân thường thay đổi theo nhu cầu của mình.

Vì thế, tôi cho rằng, chúng ta không cần thiết phải làm hết, chúng ta chú trọng nhiều đến không gian sống. Vì chúng ta không thể làm hài lòng với hàng ngàn khách hàng trong một khu chung cư. Đối với nhà cao tầng, yếu tố phong thủy cũng tối giản hơn, chúng ta không thể để vệ sinh ở trên bếp chẳng hạn. Chúng ta chú trọng đến không gian và làm sao để cư dân họ hiểu, chia sẻ với chủ đầu tư. Điều quan trọng nhất, theo tôi là đáp ứng các yêu cầu của cư dân về không gian sống”.

Phát biểu kết luận Toạ đàm, nhà báo Phạm Nguyễn Toan khẳng định, hôm nay chúng ta đã bàn số đầu tiên về chủ đề không gian sống trong đô thị hiện đại, đó là những câu chuyện mang tính gợi mở.

“Rõ ràng chúng ta thấy mỗi cư dân khách hàng mua một căn hộ, họ đều tâm niệm rằng đó không chỉ là mua một ngôi nhà, mà còn là mua không gian sống. Đây cũng chính là triết lý chung của tất cả các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chia sẻ được những điều cơ bản mà tôi hy vọng rằng, trong những số tiếp theo sẽ có những chia sẻ về các chủ đề cụ thể hơn, như về câu chuyện quản lý vận hành trong chung cư... Rõ ràng chúng ta thấy rằng, tất cả những xung đột xảy ra giữa chủ đầu tư với cư dân hiện nay đều nằm ở câu chuyện quản lý vận hành sau bán hàng.

Tất cả những câu chuyện về chung cư, về không gian sống trong đô thị hiện đại, chúng ta sẽ bàn tiếp tục từ yếu tố văn hóa đến pháp lý cho đến sự liên kết giữa các “Nhà” vào các số sau”, nhà báo Phạm Nguyễn Toan kết luận Toạ đàm./.

PV