Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm

Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH Nguyễn Tiến Tùng cho biết, trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã có sự lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả các nguồn lực. Thanh tra Bộ đã triển khai thanh tra một số nội dung chưa từng được thực hiện trước đây và bước đầu đã thu được kết quả khả quan trên các lĩnh vực, như: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động về bình đẳng giới, về nuôi con nuôi, về giảm nghèo, về quyền trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, về an toàn, vệ sinh lao động tại khu vực phi chính thức; về giáo dục nghề nghiệp...

Đặc biệt, năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Việt Nam và nhiều nước trên thế giới chao đảo, nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, cuộc sống của người dân lao đao, đặc biệt là người dân nghèo. Được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Thanh tra Bộ đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch, hạn chế thanh tra tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, dồn toàn lực triển khai thanh tra chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

leftcenterrightdel
 Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH trực tiếp phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức của đơn vị. Ảnh: TT

“Các thanh tra viên đã đến từng hộ dân để xác minh, đảm bảo các khoản tiền hỗ trợ từ ngân sách đến tận tay của người thực sự cần, không để cho một bộ phận cán bộ suy thoái tư lợi, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước”, ông Nguyễn Tiến Tùng nhấn mạnh.

Từ năm 2015, Thanh tra Bộ cùng thanh tra các sở đã triển khai phương pháp thanh tra theo chiến dịch trong những lĩnh vực khác nhau, đã đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và yêu cầu về đảm bảo tuân thủ pháp luật tại các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành, và ngay lập tức mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như thúc đẩy an sinh xã hội.

Ngành May mặc tạo được uy tín trên thị trường thế giới do sản phẩm không sử dụng lao động chưa thành niên, chấp hành tốt pháp luật lao động, thị trường liên tục được mở rộng.

Tai nạn lao động trong ngành Xây dựng cũng giảm rõ rệt, từ chiếm khoảng 35,2% đến 37% số vụ tai nạn lao động chết người năm 2015 về trước, qua chiến dịch thanh tra năm 2016, ngay lập tức kéo giảm số vụ tai nạn lao động chết người xuống 23,8%, và từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ này chỉ còn 15%.

Tương tự, một số ngành kinh tế khác cũng được hưởng lợi thông qua chiến dịch thanh tra, như: Các ngành xuất khẩu ngày càng tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới, mở được thị trường mới, tai nạn lao động giảm, các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được đảm bảo.

Một trong những ưu tiên của ngành Thanh tra LĐTB&XH, đó là công tác thanh tra việc thực hiện chính sách người có công, với hai nội dung được tập trung thanh tra, xử lý dứt điểm: Rà soát toàn bộ hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội xác lập và thanh tra toàn bộ các hồ sơ đối tượng.

Thực hiện Thông tư số 05/2015/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, 100% các cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ LĐTB&XH thực hiện đều được giám sát thông qua nhiều phương thức, như: Phiếu lấy ý kiến của đối tượng được thanh tra, trong đó có thông tin hộp thư điện tử nhận phản hồi ý kiến do chánh thanh tra trực tiếp quản lý; công chức giám sát gọi điện thoại trao đổi trực tiếp với đối tượng thanh tra và trực tiếp giám sát hoạt động của đoàn thanh tra tại trụ sở của đối tượng thanh tra.

Nhờ đó, đến nay, chưa có đoàn thanh tra, thanh tra viên nào của Thanh tra Bộ LĐTB&XH vi phạm pháp luật, quy trình, thủ tục hay quy tắc ứng xử; hoạt động giám sát giúp tăng cường tính liêm chính của hoạt động thanh tra.

Chưa phát hiện hành vi tham nhũng tại đơn vị

Một trong những hoạt động được Thanh tra Bộ LĐTB&XH đặc biệt quan tâm là công tác xử lý sau thanh tra. Theo Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH, trong những năm qua, công tác này luôn được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu lực của công tác thanh tra thông qua việc gửi văn bản đôn đốc đối tượng thanh tra thực hiện kiến nghị, nộp phạt vi phạm hành chính; tiến hành cưỡng chế nộp phạt vi phạm hành chính thông qua hệ thống ngân hàng.

Trong 5 năm gần đây, toàn ngành LĐTB&XH đã thực hiện 36.031 cuộc thanh tra, ban hành 211.781 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện, 5.896 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 172 tỷ đồng, yêu cầu thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước 492,8 tỷ đồng. Toàn ngành tiếp 66.916 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 79.560 đơn thư, thời gian xử lý đơn thư giảm từ 10 ngày xuống còn 5 ngày; giải quyết 2.824 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. 

Kết quả bước đầu, công tác xử lý sau thanh tra đã đạt được một số thành tựu đáng kể, các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn, đầy đủ hơn các kiến nghị trong kết luận thanh tra; số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp vào ngân sách Nhà nước cũng tăng lên.

Bên cạnh công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thì công tác phòng, chống tham nhũng cũng được coi là một nhiệm vụ chính của Thanh tra Bộ. Được sự tin tưởng giao phó của lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ đảm nhận vai trò thường trực về công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, hướng dẫn các đơn vị thuộc bộ xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng, đặc biệt yêu cầu các đơn vị nhận diện các vị trí việc làm có nguy cơ tham nhũng. Với việc theo dõi sát sao, hướng dẫn cụ thể, kịp thời, kết quả tính đến thời điểm hiện tại, chưa có vụ việc nào liên quan đến tham nhũng xảy ra tại các đơn vị thuộc bộ.

Từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế

Nhận thấy trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý là xu thế tất yếu, hiện Thanh tra Bộ đang quản lý và vận hành website thanhtralaodong.gov.vn, tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn, điều hành các hoạt động của đơn vị trên phần mềm tác nghiệp trực tuyến ethanhtra.molisa.gov.vn và sử dụng phần mềm để hỗ trợ công tác theo dõi, xử lý đơn thư.

Dự kiến năm 2021, được sự đồng ý của bộ trưởng và hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế, phần mềm trực tuyến quản lý cuộc thanh tra sẽ được triển khai thí điểm tại Thanh tra bộ và Thanh tra một số sở, tiến tới áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

“Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, đồng thời tiết kiệm thời gian, nhân lực, vật lực và tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”, ông Nguyễn Tiến Tùng khẳng định.

Đáng lưu ý, trong những năm qua, Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã ghi dấu ấn quan trọng trong hoạt động thanh tra về lao động trong khu vực Đông Nam Á, bằng việc đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị Thanh tra lao động các nước ASEAN để các nước trong khu vực có một diễn đàn chính thức trao đổi về kinh nghiệm thanh tra lao động.

Đến nay, Việt Nam đã 3 lần là nước chủ nhà tổ chức hội nghị này (các năm 2010, 2012 và 2018). Vị thế của Thanh tra lao động Việt Nam nhờ đó đã từng bước được nâng cao trên trường quốc tế.

Nhằm góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ đơn vị, công tác thi đua luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền và Công đoàn Thanh tra Bộ LĐTB&XH đặc biệt quan tâm.

Nhờ thực hiện tốt công tác quán triệt tư tưởng và luôn đổi mới phương thức tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, nên trong những năm qua, 100% cán bộ, công chức, người lao động Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã tham gia đăng ký thi đua hàng năm và tích cực phấn đấu để thực hiện tốt các chỉ tiêu đã đăng ký thi đua…

Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các thế hệ công chức, người lao động, tập thể Thanh tra Bộ đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Chính phủ tặng Cờ Thi đua (2 lần); Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (6 lần). Từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Bộ LĐTB&XH liên tục được cấp trên khen thưởng. Đáng chú ý, năm 2016, 2017, 2020 được Tổng Thanh tra Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2018, 2020 được Bộ trưởng tặng Bằng khen. Năm 2019 được Bộ LĐTBXH tặng Cờ thi đua. Nhiều cán bộ, công chức cũng được nhận Huân chương của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng và Tổng Thanh tra Chính phủ...

Phương Anh