Gia đình chị Nguyễn Thị Tài là một trong những hộ giáo dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của giáo họ Đồng Trấm, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn.

Trước đây, cả gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng nên cuộc sống hết sức khó khăn. Năm 2013, khi được vay vốn hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, gia đình đã đầu tư phát triển đàn dê 28 con, đàn bò 4 con, đào 3 sào ao thả cá và trồng 1ha chè. Hiện nay, thu nhập từ mô hình tổng hợp VAC mang về cho gia đình mỗi năm trên 150 triệu đồng. 

Gia đình chị Bùi Thị Dũng ở thôn 7, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn là một trong những hộ dân vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn thịt có quy mô lớn.

Hiện, thôn 7, xã Thạch Sơn có 183 hộ, với hơn 800 nhân khẩu, trong đó trên 90% là đồng bào Công giáo thuộc Giáo xứ Lãng Điền. Điểm nổi bật ở thôn là bà con giáo dân đã thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, do vậy, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Năm 2016, gia đình chị Bùi Thị Dũng đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố khép kín để nuôi lợn thịt. Mỗi năm nuôi 3 lứa, mỗi lứa từ 80 - 100 con. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ngày càng đổi thay, nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ.

Ngoài mô hình chăn nuôi lợn của chị Bùi Thị Dũng, toàn thôn 7, xã Thạch Sơn hiện có trên 80 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, như mô hình chăn nuôi gà thịt, lợn thịt, mô hình chuyển đổi trồng rau màu trên đất bãi, mô hình cơ khí, mộc...

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 35 triệu đồng/năm, thôn không còn hộ đói, số hộ giàu và khá chiếm 80%, số hộ nghèo chiếm khoảng 2,7%.

Cộng đoàn giáo dân huyện Nghi Lộc có 12.230 hộ với trên 52.000 người, chiếm 25,3% dân số toàn huyện, sinh hoạt ở 143/446 xóm; trong đó có 64 xóm giáo toàn tòng, tập trung ở 21/30 xã, thị trấn với 20 giáo xứ và 59 giáo họ. Theo số liệu thống kê, năm 2020, Nghi Lộc có gần 2.000 hộ giáo dân làm kinh tế giỏi.

leftcenterrightdel
Nhiều mô hình VAC của giáo dân được nhân rộng. Ảnh: TQ      

Khắc phục khó khăn tại vùng đất bán sơn địa, giáo dân Nguyễn Văn Hữu, xóm 1, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên đã vươn lên làm giàu bằng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp và ươm giống cây cảnh, cây ăn quả cho thu nhập kinh tế cao tại địa phương.

Năm 1992, với chủ trương chuyển đổi đất thửa, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại vườn đồi tại địa phương, ông đã chuyển đổi lấy 1.400m2 đất vườn đồi để phát triển kinh tế trang trại. Từ số vốn tích góp cộng với vay mượn của anh em, bạn bè thêm 150 triệu đồng, ông Hữu đã đào ao thả cá, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Phát triển và mở rộng diện tích theo từng năm, hiện ông Hữu có 7 vườn ươm cây cảnh và cây ăn quả, cây bóng mát trên diện tích hơn 11.000m2 với 19.000 cây, tổng giá trị 3,5 - 4 tỷ đồng. Các loại cây cảnh và cây ăn quả của gia đình ông Hữu được bán rộng rãi cho các vùng cây cảnh Nghi Ân và Nghi Liên (thành phố Vinh), các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An và một số vùng trồng cây cảnh ở các tỉnh phía Bắc.

Hiện ông Hữu là một trong những gương mặt điển hình trong phát triển kinh tế, cho thu nhập cao tại xã Hưng Yên Bắc. Trung bình hàng năm, trừ chi phí, trang trại chăn nuôi tổng hợp và các vườn ươm cây cảnh, cây giống của ông Hữu cho thu nhập 2,5 - 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Hữu còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 15 lao động làm việc thời vụ tại địa phương với mức thu nhập ổn định 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Đáng chú ý, các mô hình kinh tế của những giáo dân đi tiên phong, đã được người dân nói chung và giáo dân nói riêng nhân rộng, đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều giáo dân điển hình trong phát triển kinh tế đã được UBND tỉnh Nghệ An, UBND các huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2017, tại hội nghị điển hình nông dân tiêu biểu toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, giáo dân Nguyễn Văn Hữu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi.

Trần Quý