Tổng số vắc xin phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa đợt này là 65.580 liều, gồm 1.600 liều Vero Cell; 36.960 liều Modena; 7.020 liều Pfizer (chia cấp làm 2 lần); 20.000 liều Astra Zeneca. Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận từ Trung ương là 62.070 liều.

Các đối tượng ưu tiên tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đợt III năm 2021 là những người thuộc tuyến đầu chống dịch; người làm việc trong các cơ sở y tế (bao gồm cả công lập và tư nhân); thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; người tham gia làm việc tại các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID cộng đồng, các tình nguyện viên, phóng viên.

Lực lượng quân đội, công an, biên phòng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; các cơ quan, đơn vị, tổ chức thường xuyên làm việc, tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, tiếp xúc với nhiều người; người làm việc trong các cơ quan, đơn vị cung cấp điện; người làm việc trong các cơ quan, đơn vị cung cấp nước sinh hoạt; người làm việc trong các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường; người làm việc trong các cơ quan, đơn vị kinh doanh vận tải, xăng dầu; cán bộ, công chức ngành hải quan.

Lực lượng quản lý thị trường; cán bộ, người lao động ngành ngân hàng, kho bạc, ngành thuế, ngành thanh tra, kiểm toán, tòa án, kiểm sát, thanh tra giao thông; các chức sắc tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo được phép hoạt động theo quy định của pháp luật.

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho nền kinh tế của tỉnh; doanh nghiệp có đông công nhân; doanh nghiệp có đóng góp lớn cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc theo yêu cầu của Đại sứ quán các nước và các bộ, ngành Trung ương.

Việc tiêm chủng sẽ triển khai đồng loạt tại 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thời gian từ ngày 4/8/2021 đến 16/8/2021 và chỉ tổ chức tiêm chủng tại các bệnh viện, cụ thể các bệnh viện công lập tuyến tỉnh, bệnh viện ngoài công lập, bệnh viện Trung ương đóng tại địa phương.

Đối với bệnh viện đã tự công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ tự tổ chức điểm tiêm chủng tại bệnh viện để tiêm chủng cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại đơn vị và tiêm chủng cho các đối tượng khác trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc Ban Chỉ đạo địa phương.

Đối với các bệnh viện chưa tự công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, phối hợp với hệ y tế dự phòng (đơn vị đã tự công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng) tổ chức điểm tiêm chủng lưu động tại bệnh viện để tiêm chủng cho các đối tượng theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc Ban Chỉ đạo tại các địa phương.

Các bệnh viện đa khoa khu vực; bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố phối hợp với trung tâm y tế tại địa phương để tổ chức điểm tiêm chủng tại bệnh viện và thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn theo chỉ đạo của ban chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố.

Đối với những đơn vị được phân công tổ chức tiêm chủng vắc xin AstraZeneca cho các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn (từ nguồn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản), căn cứ trên số lượng vắc xin được phân bổ và số đối tượng của mỗi doanh nghiệp để tham mưu cho ban chỉ đạo tại địa phương tổ chức điểm tiêm chủng lưu động (nếu cần) và phải đảm bảo phù hợp, thuận tiện, đảm bảo an toàn tiêm chủng, an toàn phòng, chống dịch COVID-19; bố trí sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, nhân lực... và đội cấp cứu thường trực tại điểm tiêm để sẵn sàng xử trí các trường hợp phản ứng bất lợi sau tiêm.

Văn Thanh