Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá Thể thao-Du lịch) (VHTT-DL) cũng chỉ ra một số vấn đề thách thức đối với công tác quản lý gia đình trong giai đoạn hiện nay như vấn đề đạo đức lối sống trong gia đình đang báo động sự xuống cấp, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình đang dần mai một. Gia đình đang dần đánh mất vai trò trong giáo dục các thành viên gia đình gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc (đang dần đánh mất bản sắc gia đình Việt Nam).

Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là trách nhiệm không chỉ của riêng Vụ Gia đình, Bộ VHTT-DL mà của cả các Bộ, ban ngành, nhiều tổ chức, xã hội và trước hết là mỗi thành viên trong gia đình. Từng cá nhân chúng ta, ai cũng có gia đình và trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình phải bắt nguồn từ chính mỗi thành viên trong gia đình. Chính vì vậy rất cần nhân rộng hiệu quả từ nhiều mô hình hay về gia đình hạnh phúc trong xã hội. Tạo sự nỗ lực, thi đua tích cực từ mỗi gia đình để nhân cái tốt, át đi cái xấu tiêu cực.

Việc thực hiện Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (năm 2005), Quyết định 629/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và 4 bộ luật liên quan gia đình: Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em đã khẳng định chúng ta rất coi trọng công tác quản lý gia đình.

Thứ trưởng cho rằng, để hoàn thiện các chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý về lĩnh vực gia đình, không thể không nhắc đến vai trò tham mưu của Vụ Gia đình.

“Vụ Gia đình đã giúp lãnh đạo Bộ hoàn thành bước tham mưu cơ bản, để hoạch định chính sách đầy đủ, tạo ra khung pháp lý về lĩnh vực gia đình, giúp chúng ta điều hành và quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hết sức rộng và khó khăn này”, Thứ trưởng nhận định.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao Vụ Gia đình đã làm tốt chức năng hướng dẫn, nghiên cứu giúp lãnh đạo Bộ, cơ quan hữu trách ban hành bộ tiêu chí về xây dựng gia đình. Có nhiều tiêu chí về gia đình, nhưng chúng ta đã tạo ra “gốc” để các địa phương áp dụng, trên nội hàm là sự tôn trọng, tình yêu thương, trách nhiệm, sự hòa thuận, để từ đó tiến tới gia đình tiến bộ.

Vụ Gia đình cũng đã liên kết, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thông qua các đề án phối hợp với các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… để phát huy.

Những sáng tạo từ các mô hình như: “Gia đình công nhân viên chức lao động hạnh phúc”; “Gia đình 5 không 3 sạch”, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình… đã đưa ra những tiêu chí cụ thể và đã đạt được những hiệu quả tốt góp phần ngăn chặn một phần sự xuống cấp trong gia đình hiện nay.  

“Đó là những định hướng đã làm nên những thành quả tích cực trong lĩnh vực gia đình trong tổng thể chung các thành tựu của văn hóa, thể thao, du lịch. Góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh giúp cho ngành văn hóa thực hiện, ngăn chặn được phần nào sự xuống cấp đạo đức”, Thứ trưởng nhận định.

Thái Hải