Một việc làm chưa có trong tiền lệ

Ở cái tuổi 74, ông Nguyễn Đức Đủ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp Điện lực Thanh Hóa vẫn còn rất minh mẫn và miệt mài với công việc hằng ngày, coi đây là niềm vui, động lực để phấn đấu làm đẹp cho đời và xã hội.

Nhớ lại thời kỳ những năm 2000 - 2003, ông Nguyễn Đức Đủ say sưa kể: "Khi mà vùng sâu, vùng xa ở Thanh Hóa đường giao thông, điện lưới quốc gia còn chưa có như bây giờ, đời sống đồng bào các DTTS ở 11 huyện miền núi, vùng cao rất khó khăn. Lúc đó, đơn vị chúng tôi còn non trẻ, vừa vượt qua thử thách làm thành công các gói thầu ở đường điện 35KV ở huyện miền núi Bá Thước và Quan Sơn. Thấu hiểu được nỗi khổ, cuộc sống thiếu thốn trăm bề cả về vật chất lẫn tinh thần của đồng bào các DTTS ở các bản của những huyện miền núi, vùng cao khi chưa có điện.

Không có sự đầu tư xây dựng công trình điện đồng nghĩa với việc thị trường xây lắp điện, công ty sẽ không có việc làm. Với tư cách là lãnh đạo, tôi đã mạnh dạn quyết định táo bạo ứng vốn trước để làm hệ thống điện về 49 xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn' sau đó thu lại hằng năm theo kế hoạch đầu tư vốn của ngành Điện".

Khi đưa ra quyết định này, biết đơn vị phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thế nhưng mỗi lần trăn trở, nghĩ đến đồng bào vùng cao, vùng xa, đặc biệt khó khăn sớm có điện ổn định, phát triển sản xuất, tiến tới thực hiện chủ trương điện khí hóa nông thôn trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ông Nguyễn Đức Đủ và cán bộ, công nhân viên của đơn vị đã quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách.

Sau khi làm văn bản trình UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty Điện lực 1 (trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) được chấp thuận, ông Nguyễn Đức Đủ đã lập kế hoạch thực hiện dự án và ứng vốn trước thi công công trình điện này và chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh xây lắp. Bên cạnh đó, đơn vị chủ động vay ngân hàng trên 100 tỷ đồng để xây dựng đường dây trung áp và trạm biến áp (TBA) cho 49 xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh chưa có điện, kết hợp với nguồn vốn từ chương trình 135, WB, ODA, SIDA, nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách và vốn huy động hợp pháp khác để xây dựng lưới điện hạ thế đồng bộ với đường dây trung thế và TBA cho 49 xã nói trên một cách ngoạn mục.

Đưa điện về 49 xã vùng đặc biệt khó khăn

Hồi đó, những xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn này cái khó là kinh tế còn nghèo, cuộc sống vất vả, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, hệ thống đường giao thông xuống cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, công việc của đơn vị. Thế nhưng, với cách làm sáng tạo, quản lý hiệu quả, chỉ sau 3 năm (2001-2003) dự án đã hoàn thành với khối lượng 356km đường dây trung thế, 738km đường dây hạ thế, 123 trạm biến áp có tổng công suất 9.420 kVA.

Thành công của dự án không chỉ góp phần mở rộng thị trường, khẳng định vị thế của đơn vị trong ngành Điện, mà quan trọng hơn cả là đã giúp đồng bào Thái, Mường, Mông… ở các huyện vùng cao, miền núi Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành, Ngọc Lặc… như được thay da đổi thịt, đồng bào thay đổi tư duy lạc hậu, thúc đẩy sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Có thể nói, dự án này đã thực sự gây được tiếng vang lớn, không chỉ trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa mà lan rộng khắp các tỉnh, thành ở khu vực miền Bắc nước ta. Từ đó, đơn vị đã chiếm lĩnh được thị trường xây lắp điện, hoàn thành hàng ngàn trạm biến áp với chục nghìn km đường dây trung thế, hạ thế, hàng 100 trạm biến áp với hàng nghìn KVA…

Việc ông Nguyễn Đức Đủ, người đưa điện thành công về 49 xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn ở Thanh Hóa đã là một kỳ tích, ở một thời kỳ lịch sử và bây giờ đã trở thành một câu chuyện truyền tai nhau về “người tâm huyết kéo điện về về vùng cao xứ Thanh”.

Văn Thanh