Thế nhưng, ngày nay người dân Sủng Máng đã vươn lên, không những chỉ đủ ăn mà còn đang ấp ủ những hy vọng về một cuộc sống giàu có. Đây là một cuộc sống có thực mà người Mông ở Sủng Máng đang cùng nhau chung tay viết lên giữa giá lạnh cao nguyên và sự thách thức của đá núi.

Người Mông mua ô tô

Lâu lắm tôi mới trở lại Mèo Vạc, trở lại cái huyện mà cuộc sống khó khăn của người Mông được thâu tóm thế này: Sống trên đá, chết nằm trên đá. Cũng như rất nhiều người khác đến đất này, câu chuyện đầu tiên và muôn thuở được đưa ra, ấy vẫn là chuyện đói nghèo.

Khác với lần trước, lần này khi câu chuyện đói nghèo và việc khắc phục nó được đề cập, tôi đã thấy lãnh đạo huyện hồ hởi. Và trong cái sự hồ hởi, trong cái sự xoá đói xoá nghèo có khả thi ấy thì Sủng Máng được nhắc đến đầu tiên.

Người vui nhất trong công cuộc xoá nghèo này có lẽ là ông Nguyễn Văn Vàng - Chủ tịch UBND xã. Khác cho lần gặp của những năm trước, ông Vàng cho tôi biết, rằng cuộc sống của người Sủng Máng không còn tồi tệ như trước. Bằng nghị lực và việc chịu khó học hỏi của mình, người Mông ở đây không còn đói ăn mà còn đang làm giàu. Nhiều nhà đã mua được vật dụng đắt tiền để sử dụng, trong đó đã có nhà mua được cả ô tô nữa.

Đem trong mình một tâm trạng ngạc nhiên về một cuộc sống mới ở Sủng Máng, rất cần sự lý giải thì ông Vàng hồ hởi: Không nói giấu đâu! Người Mông ở đây mua được xe ô tô thật mà. Cán bộ đi tôi chỉ cái xe ô tô mà người Sủng Máng mua cho mà xem.

Theo chân ông Vàng, tôi tìm xuống Sủng Nhỉ B, thôn xa nhất của Sủng Máng. Con đường liên xã vắt vẻo trên đá núi, tuy chưa được rộng lắm nhưng đã được nhựa hoá, êm cái chân người và cái bánh của chiếc xe máy lắm rồi. Đường phẳng, xe cứ băng băng vượt đá núi mà đi, chẳng bao lâu chúng tôi đã có mặt ở thôn.

Trời sẩm tối, khác cho cảnh dầu đèn phập phù không soi đủ mặt người những năm trước, hiện tại điện đã được kéo về hầu khắp các nhà dân trong Sủng Nhỉ B. "Cái điện" đã làm “sáng cái mặt ti vi” và sáng từng khuôn mặt trẻ em nơi đây.

Ông Vàng đưa tôi vào nhà Phàn Giào Pháo. Ngôi nhà ngói làm theo cốt cách của người Mông vùng cực Bắc của Pháo đã sáng trưng điện. Dưới ánh sáng của ngọn điện, Pháo đang xoay lưng dọn dẹp chiếc xe tải loại 2,5 tấn sau một ngày làm việc và lăn bánh trên đá núi.

Thấy có khách, Pháo rửa vội đôi bàn tay rồi tìm vào rót nước mời tôi. Bữa tối đã được người nhà Pháo dọn ra dưới ánh sáng của chiếc bóng điện. Ngoài rá mèn mén - một thứ thức ăn lâu đời, truyền thống của người Mông nơi đây thì bữa tối cho mọi người trong nhà Pháo còn có hai đĩa thịt luộc và một tô canh rau cải. Việc có thịt trong khẩu phần ăn, nhất là những ngày giá lạnh ở vùng cao nguyên đá này là chuyện hiếm, nó đã khẳng định việc xoá đói, xoá nghèo nơi đây đang là có thực.

Chuyện trò, Pháo cho biết, người Mông ở đây, bằng sự chăm chỉ, học tập kinh nghiệm làm ăn của người dưới xuôi mà đã thoát được đói. Riêng nhà Pháo, do chịu khó hơn và biết cách học hỏi nhiều hơn nên ngoài cái ăn còn dành tiền mua được cả ô tô để làm dịch vụ như chở vật liệu xây dựng, chở ngô lúa và hoa mầu cho người dân trong vùng. Họ không có tiền thì Pháo lấy ngô, thóc để trừ vào. Một ngày xe lăn bánh trên đá, trừ tiền dầu phải mua để cho “xe ăn” nhà Pháo còn có thu thêm hai, ba trăm nghìn.

Có lẽ trong những người Mông mà tôi đã gặp ở vùng đá cao lạnh lẽo Sủng Máng này thì Pháo là người năng động và dám nghĩ, dám làm nhất. Năm ngoái, ngô lúa của người Mông ở Sủng Máng làm ra, ngoài để ăn phần còn lại phải bán và hay bị tư thương dưới xuôi bớt giá nhiều lắm. Họ không ở vùng cao như Pháo và người dân Sủng Máng nên họ không biết giá trị của việc làm ra một hạt ngô ở đây. Nói bao nhiêu họ cũng không thèm nghe, họ chỉ thích bớt giá thôi. Bực quá, thế là Pháo nghĩ sẽ mua thêm xe nữa để chở ngô của người Mông Sủng Máng xuống tận thị xã bán cho họ “biết tay”.

leftcenterrightdel

Người dân Sủng Máng đã biết tiếp cận với các nguồn vốn để mở rộng ngành nghề để đem lại thêm nguồn thu cho gia đình. Ảnh: PV

Bằng tiền dành dụm của mình do bán bò, bán ngô, để có chiếc xe nữa Pháo đã làm đơn tìm đến ngân hàng xin vay vốn. Pháo đã trở thành người Mông duy nhất ở cao nguyên đá này sở hữu đến hai chiếc xe tải. Chiếc xe tải thứ hai của Pháo sáng chở ngô đi, vượt hơn 100km đường đèo núi xuống chợ thị xã, tối lại về đã đem lại cho gia đình Pháo một nguồn thu nữa. Một hình thức dịch vụ đang hé mở trong Pháo và Pháo đang trở thành “cây cầu nối” về tiêu thụ sản phẩm cho người Mông ở quê đá. Người Mông bán nông sản được đúng giá còn Pháo có nguồn thu về dich vụ chở nông sản đi bán.

Xã dịch vụ và tương lai thoát nghèo

Cũng như những người dân ở các xã khác trong huyện, nằm trên một địa bàn mà “trước mặt là đá, sau lưng là đá, dưới đất là đá, chỉ có trên trời là… không có đá”, nên đất canh tác của người Sủng máng ít lắm! Ở đây quỹ đất tự nhiên được cộng từ diện tích bằng cái bàn học trẻ con đến mảnh to hơn như hội trường uỷ ban mà chia cho đầu người thì mỗi người dân Sủng Máng chưa được đầy một sào Bắc Bộ. Người nông dân trông vào đất và đất đai ở miền quê đá Sủng Máng đem lại cho người ta những khát khao hơn bao giờ hết.

Khát khao là vậy thế nhưng đất đai không bao giờ “đẻ” thêm được. Bằng việc tận dụng tất cả các quỹ đất sẵn có, thậm chí còn là cả việc gùi đất lên bỏ vào các hốc đá để mở nương, mở ruộng nhưng đất đai ở Sủng Máng vẫn hạn hẹp vô cùng.

Với quỹ đất hiện có, bằng các giống cây trồng và cách canh tác lạc hậu thì dù có chăm chỉ thế nào đi chăng nữa người dân Sủng Máng vẫn không thể tránh được đói ăn. Để xoá được đói, để đủ ăn, chỉ có một cách là làm sao đưa được các giống mới, cách chăm sóc gieo trồng và canh tác mới về với người dân Sủng Máng. Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, các phương pháp áp dụng triển khai kỹ thuật đã được đề ra và đưa vào.

Dân chăm chỉ, đất không được nghỉ, mọi nông sản cứ thế mà về nhà, người Sủng Máng đã nhanh chóng “đuổi” được cái đói ra khỏi nhà.

Theo ông Nguyễn Văn Vàng - Chủ tịch xã thì: Tính đến nay, giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất cây trồng đạt gần 40 triệu đồng, bình quân lương thực đầu người đạt 547kg/năm; tỷ trọng giá trị chăn nuôi/giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 51%. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm 1.279,7 ha; tổng sản lượng lương thực  1.577,3 tấn.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Cùng với đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân trồng cỏ, chăn nuôi bò hàng hóa, đưa chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo thu nhập cho bà con. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều có chiều hướng tăng, đến nay, tổng đàn gia súc ước đạt 4.813 con, đàn gia cầm có 27.200 con, 870 đàn ong, sản lượng mật đạt 4.680 lít.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Văn Vàng, hiện tại đất canh tác cho Sủng Máng đã được tận dụng hết. Để người dân có nguồn thu thêm, phát triển sâu bền và có điều kiện tích luỹ kinh tế, xã đang chủ trương đa dạng hoá ngành nghề.

Theo chủ trương này, xã tập trung phát triển dịch vụ, thương mại và tiểu thủ công nghiệp. Các nghề có truyền thống như rèn, dệt thổ cẩm đã được phục hồi, triển khai đến từng hộ dân, người dân. Ngoài nguồn thu, các nghề này phục hồi còn có vai trò rất lớn trong việc bảo lưu và phát triển văn hoá của người Mông, một công đôi việc là vậy.

Các ngành công nghiệp - thủ công nghiệp tiếp tục được phát triển, hiện xã có 1 hợp tác xã may mặc trang phục dân tộc và 1 hợp tác xã dịch vụ vận tải. Giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp tính đến nay đạt 1,7 tỷ đồng.

Đầu Thu, nắng hanh và giá lạnh đã bắt đầu bao phủ khắp trên các triền đá của Sủng Máng và làm ửng hồng những gò má của các cô thiếu nữ Mông. Chia tay với Sủng Máng, chúng tôi hẹn lại một ngày gần nhất để trở lại cao nguyên đá và cùng chứng kiến thêm những sự vượt khó đi lên tiếp theo của người Mông trên đất này.

Đơn Thương