Bão số 6 đi vào các tỉnh Quảng Nam đến Quảng Ngãi

Phát biểu tại cuộc họp bàn các biện pháp tập trung ứng phó, khắc phục với bão số 6 suy yếu thành Áp thấp nhiệt đới và mưa lũ diễn biến rất phức tạp ở miền Trung, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sáng 11/10 bão đi vào các tỉnh Quảng Nam đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10 (thời điểm gió mạnh nhất trên đất liền là trong sáng đến trưa ngày 11/10). Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng đất liền ven biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 8 -9, giật cấp 10; tỉnh Thừa Thiên- Huế - có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên có gió giật mạnh cấp 6-7 trên biển, khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5 m, biển động rất mạnh. Ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 2-4 m; biển động rất mạnh.

Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng cao 2-4m, biển động. Ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng cao 2-4 m, biển động. Ven biển các tỉnh Nghệ An đến Quảng Nam có khả năng nước dâng do bão cao tới 0,5 m. Vùng biển Cửa Việt gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4 m. Mưa lớn nhất tập trung ở các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Bình Định. Thời gian mưa lớn tập trung trong ngày 11-12/10 với lượng mưa lớn nhất khoảng 400-700 mm.

Lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam trên báo động 3; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị ở mức báo động 2- báo động 3. Lũ trên các sông từ Bình Định, Phú Yên lên mức báo động 2- báo động 3. Lũ trên các sông Kon Tum, Gia Lai lên mức báo động 2, có sông ở mức báo động 2 - báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Gia Lai, Kom Tum. Cảnh báo tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm phát biểu.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm phát biểu.

Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến hết ngày 10/10 đã có 9 người chết (Quảng Trị 3, Thừa Thiên - Huế 2, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, ĐăkLăk 1, Quảng Nam 1); 11 người mất tích: (Quảng Trị 7, Đà Nẵng 3; Gia Lai 1), 7 người bị thương (Quảng Bình 1, Thừa Thiên- Huế 6); 33.387 nhà bị thiệt hại, trong đó 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn. Có 93 điểm bị sạt lở trên các tuyến Quốc lộ, đường sắt Bắc Nam đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập; 2.200m Tỉnh lộ bị sạt lở. Hồ thủy lợi Hóc Bầu (Quảng Nam) đang thi công bị vỡ đê quây, hiện đang huy động máy móc, thiết bị túc trực theo dõi để kịp thời xử lý những diến biến có thể xảy ra và sẽ đắp lại cống khi thời tiết thuận lợi.

Tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có 7 tàu vận tải bị sự cố. Tàu cá số hiệu BĐ 97055TS (có 11 thuyền viên) bị chìm tại vùng biển thành phố Quy Nhơn (lúc 0 giờ ngày 8/10) đã được cứu hộ an toàn. Ngoài ra ,1 tàu chìm khi neo tránh trú ở khu vực Cầu Dài, thành phố Đồng Hới. Đồn biên phòng Nhật Lệ đang phối hợp với gia đình tìm phương án trục vớt. Tại thành phố Đà Nẵng, các tàu bị chìm là ĐNa 07070/2 thuyền viên, ĐNa 91066/2 thuyền viên, tàu ĐNa 30873/2 thuyền viên đã được cứu hộ về bờ an toàn; tàu ĐNa 90988 TS đang được tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

Tàu Quảng Ngãi QNg 96317 TS/11 thuyền viên bị hỏng máy, thả trôi lúc 18 giờ ngày 9/10, đang đề nghị hỗ trợ. Về nông nghiệp có 224ha lúa bị ngập, 881ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 58.060 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. 42 điểm trường bị ngập (Quảng Trị 1; Đà Nẵng 11; Quảng Nam 30). 9.060 m bờ biển sạt lở (Thừa Thiên Huế 9.050m; Quảng Trị 10 m).

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, mưa lũ đã làm 206 xã/phường bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3m đến 3m (Hà Tĩnh 1 xã; Quảng Nam 16 xã; Quảng Bình 38 xã; Quảng Trị 81 xã; Thừa Thiên - Huế 54 xã/phường; Đà Nẵng 16 xã/phường). Tổng số hộ bị ngập là 109.034 hộ (Quảng Nam có 162 hộ/613 khẩu, Quảng Bình có 14.752 hộ/73.760 khẩu, Quảng Trị có 36.094 hộ/113.145 khẩu; Thừa Thiên Huế có 53 hộ/213.540 khẩu, Đà Nẵng có 4.640 hộ/18.560 khẩu). Cùng với đó, các tỉnh thành phố đã tổ chức sơ tán 10.761 hộ/31.295 khẩu (chủ yếu tại chỗ) trong đó tỉnh Quảng Nam 162 hộ/613 khẩu; Quảng Bình 118 hộ/356 khẩu; Quảng Trị 6.754 hộ/19.381 khẩu; Thừa Thiên - Huế 3.727 hộ/10.495 khẩu.

Theo Vụ Quản lý Đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai), hiện có 64 vị trí đê biển xung yếu với tổng chiều dài là 148,4km khu vực từ Nghệ An - Bình Thuận; có 39 công trình đang thi công dở dang Đê Tả Nghèn, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh bị sạt lở 80m. 

"Không để người dân rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất"

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhấn mạnh: "Thực hiện nghiêm Công điện 1372/CĐ-TTg ngày 8/10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung trong đó tập trung ứng phó và khắc phục ngay những hậu quả do mưa bão gây ra và kiên quyết không để người dân ở tình trạng "màn trời chiều đất".

Máy bay trực thăng cứu hộ thành công thuyền viên gặp nạn trên tàu VietShip 01 ở Quảng Trị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục chủ động trong công tác ứng phó với mưa lũ. Phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc cứu trợ, cứu nạn, xử lý các sự cố do mưa lũ gây ra đặc biệt là các sự cố về tàu vận tải trên biển.

"Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung chỉ đạo việc tăng cường lực lượng, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm. Tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đến gần hoặc đi qua, thậm chí phải di dời khỏi những khu vực trên. Thực hiện tốt công tác vận hành liên hồ chứa theo quy định đảm bảo an toàn công trình và hạ du", Bộ trưởng Cường cho hay.

Cùng với đó, trên hệ thống giao thông đường bộ, đường không, đường thuỷ...các đơn vị chức năng cần có sự quản lý, kiểm soát tốt công tác đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan quản lý cảng sông, cảng biển, chủ quản lý các phương tiện tàu, chủ tàu ...làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho tàu và ngư dân đặc biệt đối với các tàu vận tải, tàu vãng lai, tàu nhỏ tại các cảng như Quy Nhơn, cửa sông Ranh...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan liên quan rà soát lại các phương án trong công tác phòng chống thiên tai (nguồn nhân lực, phương tiện...), trên cơ sở đó hoàn thiện kế hoạch sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bổ sung về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị...phục vụ hiệu quả hơn cho công tác phòng chống thiên tai.  Bên cạnh đó, ngành trồng trọt cần kiểm tra, đánh giá những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình quản lý để có sự hỗ trợ cho vụ Đông Xuân sắp tới. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục tăng cường công tác thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai, giảm thiệt hại./.

Theo Văn Ngân/VOV.VN