Phóng viên vượt hơn 250 km từ Đà Nẵng lên xã Ch’ơm (huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam), là xã biên giới giáp với nước bạn Lào vào đúng ngày người dân Cà Tu dân làng long trọng tổ chức ngày hội đại đoàn kết các dân tộc.

Sau cốc trà đủ để tỉnh người, anh Ta Ngôn A Kê, Chi hội trưởng Nông dân thôn Ch’ Lăng rỉ tai tôi đi lấy  “rượu trời” về dùng.

Chưa bao giờ nghe đến thứ rượu lạ này nên tôi ngạc nhiên hỏi: “Rượu trời” là gì và ở đâu vậy?

A Kê không giải thích mà chầm chậm nói: “Thứ rượu mà ngày mai cả làng sẽ uống mừng ngày hội lớn của toàn dân đấy. Anh cứ đi thì biết tất…”.

Từ làng Ch’ Lăng chúng tôi băng rừng già về hướng ngọn núi Tà Xiên. Phút dừng chân dưới chân núi, A Kê mới “tiết lộ” về thứ “rượu trời” này. Đó là loại rượu từ cây tr’đin, giống như rượu lấy từ nước cây t’vạc, cây a dương có ở khắp dãy Trường Sơn từ Quảng Bình và đến Tây Nguyên mà người đồng bào vùng cao đều biết lấy, biết dùng; nhưng rượu lấy từ nước cây tr’đin mà các vùng núi phía Bắc gọi là cây móc, cây đủng đỉnh, thì chỉ người dân các xã vùng cao Tây Giang mới biết lấy và sử dụng…

Chúng tôi đi tiếp gần 1 giờ leo ngược dốc đứng mới đến một vạt cây tr’đin cao tới gần 10 mét mọc ngang sườn núi. A Kê bảo, ở gần làng cũng có nhiều cây tr’đin, nhưng phải đi xa thế này thì mới có cây lâu năm và sẽ cho rượu rất ngon.

A Kê nhanh tay buộc dây vào những cây rừng để làm thang leo lên cây tr’đin.  Anh giải thích, để lấy được nước cây tr’đin phải leo lên ngọn cây rất cao, nên từ lâu người Cà Tu gọi thứ rượu này là “rượu trời”.

Sau khi lên ngọn cây, muốn lấy rượu phải đục thân cây nhưng quan sát để xác định cây tr’đin có đúng thời điểm tích nước không?.

Theo kinh nghiệm của các già làng, đi lấy rượu tr’đin phải nhìn xem đọt cây mới nhú lên gần ngang bằng lá già; lúc này thân cây mới có nhiều nước.

A Kê nhanh tay làm giàn ngồi rồi dùng dao đục thân cây đúng vào đốt thứ 4 của cây liền thông báo, có nhiều nước lắm nhưng phải hôm sau mới lấy được…

AKê dẫn chúng tôi đến vạt cây tr’đin gần đó. Nhiều cây ở đây đã được đục thân cây trước đó và sẵn một giàn thang để leo lên, chỉ việc mang can nhựa lên múc nước tr’đin đã hứng từ máng trong thân cây mang về. Vì nước cây rất ngọt, nên người đi lấy tr’đin phải luôn làm vệ sinh sạch sẽ chỗ đục ngọn cây lấy nước, nếu không ruồi, nhặng, bướm ong, chim, chuột đến uống nước gây mất vệ sinh, ngộ độc…

leftcenterrightdel
 Người dân Cà Tu thưởng thức rượu tr’đin làm từ nước cây tr’đin lấy từ rừng về. Ảnh: N.P

Một cây tr’đin lâu năm, mỗi ngày có thể lấy được từ 5 đến 10 lít nước có vị ngọt như đường, thơm mát, rất bổ cho phụ nữ, trẻ em dùng. Để gọi là rượu, phải có thêm vỏ cây chuồn mọc nhiều ở các khu rừng giáp biên giới Lào.

Nước tr’đin sau khi ngâm vỏ chuồn sẽ lên men có màu vàng óng như bia, thơm như mật, khi uống không say như rượu nếp mà chỉ ngà ngà sảng khoái. Người đi rừng lắm lúc không mang theo cơm nắm, nhưng chỉ cần uống nước tr’đin cũng khỏe mạnh, leo dốc núi cả ngày trời không biết mệt…

A kê khoe rằng, người Cơ Tu vùng biên giới này rất thích rượu tr’đin, khi đi lấy rượu thường rủ nhau theo nhóm bạn thân thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Nếu có khách, bà con Cơ Tu thường mời khách cùng đi lấy rượu về uống với món nhắm là gà nướng, thịt trâu, bò, cá nướng…

Khi có ngày hội lớn của buôn làng như Tết, lễ, mừng lúa mới… từ già đến trẻ đều thích uống rượu tr’đin. Khi đã lâng lâng men rượu họ cùng nắm tay hòa cùng điệu tân tung, da dá, theo nhịp trống chiêng rộn ràng, cùng múa cả ngày đêm không biết mệt mỏi…

Không chỉ dân làng, thời gian qua nhiều du khách lên Tây Giang tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng Cơ Tu cũng rất thích thú được dùng loại rượu tr’đin này.   

Ông Bhriu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, rượu tr’đin uống rất ngọn và bổ. Theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm định Dược phẩm Quảng Nam: “Rượu tr’đin màu nâu nhạt, mùi đặc biệt, vị ngọt hơi chua, có độ ph 4,1 trong tỷ trọng D0,993, có glucoza, không có đường nhân tạo, nồng độ Ethanol là 7,15 trong thể tích thử nghiệm”. 

Từ ấy, thời gian qua, cây tr’đin đã được chính quyền huyện Tây Giang khuyến khích người dân trồng thêm nhiều diện tích ở các xã vùng cao biên giới, để bất cứ du khách nào lên Tây Giang cũng có thể thưởng thức rượu tr’đin như một đặc sản nơi đây.

Đồng thời, nếu nguồn cung lớn sẽ cho ra thị trường tiêu thụ tạo nguồn thu nhập trang trãi đời sống của người dân.

Trong cái Tết mới đang cận kề, người dân Cà Tu cùng du khách say nồng trong men rượu tr’đin; vừa ngắm đại ngàn Trường Sơn khi mùa hoa pơ lang khoe sắc lúc ông mặt trời nhấp nhô trên ngọn núi thì còn gì thú bằng…

 

 

 

 

       

Ngọc Phó