Nạn tảo hôn có chiều hướng giảm dần

Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, 8 tháng đầu năm 2022, Lào Cai có 219 phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con lần đầu, bằng 32,4% so với năm 2021. Trong đó phụ nữ dân tộc Mông là chủ yếu.

Năm 2022, Lào Cai phấn đấu giảm 20% số phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2021. Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2022, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh vùng cao Lào Cai có chiều hướng giảm.

Để đạt được mục tiêu trên, trước hết cần làm tốt việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Do đó, tỉnh Lào Cai đang triển khai nhiều giải pháp lồng ghép, đồng bộ từ tận dụng ảnh hưởng của người có uy tín tại địa phương đến xây dựng mới và duy trì các mô hình hoạt động tuyên truyền hiệu quả.

Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỉnh đang tăng cường xây dựng các mô hình điểm, các câu lạc bộ về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với nội dung như: “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”, “Chống tảo hôn”, “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn với hôn nhân gia đình...”.

Trong những tháng đầu năm 2022, các huyện, thị xã, thành phố duy trì 58 mô hình với 3.527 thành viên tham gia. Các mô hình, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quy chế xây dựng; thường xuyên cập nhật kiến thức mới, phối hợp tổ chức tuyên truyền các nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, các địa phương đã tuyên truyền, vận động được 147 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng, trong đó có 50 trường hợp là học sinh; kịp thời xử lý vi phạm hành chính 28 vụ tảo hôn.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tại huyện vùng cao Bát Xát có trên 80% là đồng bào DTTS. Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm rõ rệt. Nếu như năm 2021 toàn huyện còn 7 trường hợp tảo hôn, thì 6 tháng đầu năm nay đã giảm xuống chỉ còn 1 trường hợp.

Có được kết quả này, là nhờ cả hệ thống chính trị từ huyện xuống đến thôn, bản đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tới toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức viên chức và đồng bào các dân tộc.

Theo bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong việc lựa chọn các giải pháp phòng chống tảo hôn. Ví dụ, Đoàn Thanh niên phối hợp tổ chức diễn đàn "Thanh niên nói không với tảo hôn"; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thì tiếp tục xây dựng các mô hình ở các xã có nguy cơ cao xảy ra tảo hôn… Cùng với đó, phát huy vai trò trưởng thôn, bản, người có uy tín tham gia tuyên truyền, vận động, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn các trường hợp có dấu hiệu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

“Trong những tháng đầu năm 2022, chúng tôi đã phát hiện, tuyên truyền, vận động và kịp thời ngăn chặn hàng trăm trường hợp có ý định chung sống với nhau như vợ chồng khi chưa đủ tuổi”, bà Mai thông tin.

Những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong những tháng đầu năm 2022, là cơ sở để tỉnh Lào Cai phấn đấu năm 2022 sẽ không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; giảm 30% số người tảo hôn so với năm 2021…

Hướng tới không còn vấn nạn tảo hôn

Mới đây, tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 279/KH-UBND của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Văn bản nêu rõ, trong những năm qua, công tác nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được cấp ủy Đảng các cấp quan tâm lãnh đạo, triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Chỉ số phát triển con người (HDI) từng bước được cải thiện. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe và tổ chức bộ máy làm công tác dân số tiếp tục được kiện toàn và phát triển; tuổi thọ trung bình tăng qua các năm. Công tác truyền thông chuyển đổi hành vi được tăng cường; chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng cao; từng bước thực hiện tầm soát bệnh, tật bẩm sinh. Công tác chăm sóc dinh dưỡng được triển khai thực hiện hiệu quả; việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm thực hiện. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng giảm.

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu quan trọng về chăm sóc, nâng cao sức khỏe còn đạt thấp so với toàn quốc. Tuổi thọ bình quân tăng chậm, số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp; tầm vóc, thể lực và sức bền của người dân chậm được cải thiện.

Tỷ lệ mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, đặc biệt tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Ý thức về chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế; tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 05 tuổi vẫn còn cao so với toàn quốc và có sự chênh lệch giữa các vùng. Tỷ lệ phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh được tiếp cận sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh còn thấp; tình trạng tảo hôn, sinh con sớm còn tồn tại ở một số vùng đồng bào DTTS.

Phong trào rèn luyện nâng cao thể chất người dân trong cộng đồng còn chưa rộng khắp. Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn, đồng bào DTTS còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh.

Để nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai bảo đảm quy mô, cơ cấu, phân bố dân cư phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế; quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong do bệnh tật. Quan tâm công tác giáo dục nâng cao nhận thức người dân, phấn đấu nâng chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh Lào Cai bằng mức trung bình toàn quốc vào năm 2030.

Tỉnh Lào Cai đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 không còn hôn nhân cận huyết thống, đến năm 2030 cơ bản không còn tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đến năm 2050, Lào Cai tập trung nâng cao chất lượng dân số toàn diện cả về trí lực, chất lượng, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng và cả nước.

Để đạt các mục tiêu trên, công tác tuyên truyền, vận động là trọng tâm. Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao chất lượng dân số.

Đổi mới các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và ủng hộ tích cực của toàn xã hội về nâng cao chất lượng dân số; hình thành kiến thức, kỹ năng đúng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ; chú trọng tuyên truyền, giáo dục địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS;… vận động, tạo phong trào thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cho thấy, số trẻ do phụ nữ dưới 20 tuổi sinh ra năm 2021 là 1.956 trẻ/11.070 trẻ được sinh ra trong toàn tỉnh, chiếm 17,67% (dân tộc Mông  chiếm 60,22%; dân tộc Dao chiếm 17,12%; dân tộc Tày chiếm 8,23%; các dân tộc khác chiếm 14,43%); số trẻ do phụ nữ dưới 18 tuổi sinh ra là 812 trẻ, chiếm 7,35%. Các huyện có tỷ lệ trẻ do phụ nữ dưới 20 tuổi sinh ra cao gồm Bắc Hà (25,29%), Si Ma Cai (25,07%) và Bát Xát (21,57%).

Nam Dũng