Những công trình của tình đoàn kết

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 33.458ha diện tích là vùng dân tộc, miền núi, chiếm khoảng 10% diện tích tự nhiên của TP. Trên địa bàn Thủ đô có 50 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, với số dân trên 92.000 người. Trong đó, đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Dao cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn thuộc 14 xã của các huyện: Ba Vì 7 xã (Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh); Thạch Thất 3 xã (Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung); Quốc Oai 2 xã (Đông Xuân, Phú Mãn); xã Trần Phú (Chương Mỹ); xã An Phú (Mỹ Đức).

Những ngày đầu mới sáp nhập, các xã dân tộc, miền núi của TP có 5 xã thuộc khu vực I; 8 xã thuộc khu vực II; 1 xã và 5 thôn thuộc khu vực III - nằm trong diện đầu tư của Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới (gọi tắt là Chương trình 135).

Ở mỗi giai đoạn, TP đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Giai đoạn 2016-2020, HĐND TP đã ban hành nghị quyết phê duyệt kinh phí 1.000 tỷ đồng đầu tư 69 dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP dự kiến sẽ dành 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công. Trong đó, TP cân đối bố trí vốn 6.200 tỉ đồng thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, cũng như Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, TP còn quan tâm chăm lo phát triển văn hóa - xã hội. Nhiều năm trước, đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Kinh ở các thôn, xã dân tộc, miền núi thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức luôn ao ước có được một công trình nhà văn hóa cộng đồng khang trang của riêng thôn mình để tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa được thuận lợi. “Giấc mơ” đó đã trở thành hiện thực khi TP Hà Nội triển khai đầu tư xây dựng 46 công trình nhà văn hóa thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô bằng nguồn kinh phí các quận nội thành hỗ trợ.

Các công trình nhà văn hóa được xây dựng trên tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi của Thủ đô có nơi để giao lưu sinh hoạt văn hóa, hội họp, nâng dần chất lượng cuộc sống. Đến nay, tất cả 46 công trình đã được hoàn thiện, bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng. Các nhà văn hóa đều có sân khấu trong nhà, bàn ghế, loa đài, diện tích và khu thể thao… đáp ứng theo đúng tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Đây thực sự là đòn bẩy giúp đồng bào vươn lên phát triển, tiếp cận với cái mới, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Giữ vững... "vùng xanh"

Nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô đã có nhiều khởi sắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm, tăng dần tỷ trọng dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp. Kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt. Hiện, Hà Nội không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn; nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Cùng với hăng say lao động, bà con vùng dân tộc, miền núi Thủ đô còn tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian TP thực hiện Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch TP kêu gọi, người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, cùng với các lực lượng tuyến đầu quyết tâm mở rộng và giữ vững thế trận cơ sở, bảo vệ “vùng xanh”, lan tỏa rộng khắp tình cảm, hành động đẹp, chung sức đồng lòng, hưởng ứng phong trào thi đua của TP “toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.  

Chung tay cùng TP bảo vệ “vùng xanh”, các địa phương vùng dân tộc, miền núi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Thành lập Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch, duy trì chế độ trực 24/24 và 7 ngày/tuần tại các chốt bảo vệ; thiết lập lá chắn thép tại các chốt kiểm soát trên địa bàn để ngăn chặn không cho dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn; tận dụng tối đa thời gian để tiêm vắc xin cho người dân; lấy dân làm gốc và kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức cùng chính quyền phòng, chống dịch…

Tổ Covid cộng đồng đã xây dựng quy chế hoạt động, gắn trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố với kết quả hoạt động của tổ. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát, phát hiện và kịp thời báo cáo chính quyền địa phương các trường hợp nghi mắc Covid-19 và vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch”, các hộ gia đình đã ký cam kết với UBND xã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm cùng chính quyền địa phương kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Các xã cũng thành lập tổ tuần tra, kiểm soát lưu động tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình trật tự của người dân và xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Thời gian qua, bà con vùng dân tộc, miền núi trên địa bàn Thủ đô đã quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững “vùng xanh” - “xanh của núi rừng và xanh - sạch bóng Covid-19”…

Hải Hà