Thực trạng

Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (NSVSMT) nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết: Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, Hòa Bình đã xây dựng 297 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, 145.521 công trình cấp nước hộ gia đình (gồm giếng đào, giếng khoan, lu, bể chứa).

Số lượng công trình thì lớn nhưng hiệu quả lại thấp, nhiều công trình cấp nước tập trung được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng kém hiệu quả, không hoạt động đã bỏ hoang gần chục năm nay, như công trình nước sạch xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, được xây dựng năm 2010 với tổng vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng, nhưng công trình này chỉ tồn tại gần 1 năm tuổi thì “chết”.

Cũng tại Yên Thủy, công trình cấp nước sạch xã Hữu Lợi được đầu tư hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn 134, cấp nước cho 4 xóm, 3 trường học, trạm y tế xã và UBND xã. Đây là điều ao ước bấy lâu nay của người dân xã Hữu Lợi, tiếc thay, nước sạch chỉ về đến bể chứa tập trung của xóm, không về đến cụm dân cư và hộ gia đình. Người dân 4 xóm và 3 trường học, trạm y tế xã lại lâm vào cảnh khát nước sạch bên công trình nước sạch.

Công trình cấp nước sạch xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, được đầu tư bằng nguồn vốn UNICEF, xây dựng tại xóm Ào, lấy nước tự chảy từ Hang Đắng về bể chứa tập trung, sau đó chia nước về 4 xóm.

Theo người dân xóm Ào, nguồn nước Hang Đắng dồi dào, quanh năm không bao giờ cạn, nước trong, mát. Công trình có hệ thống bể chứa nước, nhà điều hành, trạm bơm nước lên bể nén, hệ thống đường ống dẫn nước về các cụm dân cư. Tuy nhiên, hoàn thành đưa vào sử dụng được gần 2 năm thì công trình ngừng hoạt động. Lý do là, máy bơm bị cháy không có kinh phí sửa chữa.

Từ đó, bể chứa nước, nhà điều hành xuống cấp, đường ống dẫn nước bị mất trộm, đoạn còn lại thì hư hỏng.  

leftcenterrightdel
 Hàng chục công trình, hạng mục công trình nước sạch ở Đà Bắc được đầu tư từ các nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình NSVSMT nông thôn, Dự án Giảm nghèo, Dự án Ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân lòng hồ Hòa Bình… xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ XX, đã bị bỏ hoang 15 - 20 năm nay. Ảnh: Trung Hiếu

Công trình cấp nước sạch xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn được xây dựng năm 2006 với kinh phí đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng.

Theo thiết kế, công trình này sẽ cấp nước sạch cho các hộ dân 5 xóm trong xã. Tuy nhiên, công trình hoàn thành đưa vào khai thác chỉ được một thời gian ngắn thì hư hỏng nặng, bể chứa không tích được nước, đường ống bị vỡ…

Sau mấy năm “đắp chiếu”, tháng 10/2013, công trình này được đầu tư 9,5 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần kinh phí xây dựng) để sửa chữa, nâng cấp.

Tháng 7/2016, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng do đường ống liên tục bị hư hỏng, nước bị thất thoát nhiều nên nước không đến các hộ dân.

Tháng 1/2019, công trình ngừng hoạt động, hàng trăm hộ dân các thôn Lai Trì, Bá Lam 1, Bá Lam 2, Chợ Bến, Song Huỳnh, Đa Sỹ lại phải chịu cảnh khát nước sạch bên công trình nước sạch chục tỷ đồng.

Đà Bắc, huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình, là địa phương được Nhà nước đầu tư nguồn kinh phí rất lớn cho chương trình cấp nước sạch nông thôn. Hầu hết các xã đều có công trình cấp nước tập trung và các cụm dân cư đều có bể chứa nước dung tích từ 5 - 10 m3. Tiếc rằng, cho đến nay phần lớn công trình cấp nước tập trung đã xuống cấp không còn hoạt động, công trình bị bỏ hoang.

Đơn cử, công trình nước sạch thị trấn Đà Bắc được đầu tư hơn 7 tỷ đồng với quy mô lớn, khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân thị trấn. Buồn thay, người dân chưa được một ngày hưởng thụ nguồn nước sạch của dự án thì công trình bạc tỷ đã “chết yểu”. 

Ngoài những công trình trên, còn hàng chục công trình cấp nước tập trung nông thôn ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều trong tình trạng đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn hiệu quả sử dụng.

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm NSVSMT nông thôn tỉnh Hòa Bình, trong tổng số 297 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, chỉ có 60 công trình hoạt động bền vững chiếm tỷ lệ 20,2%, 87 công trình hoạt động tương đối bền vững chiếm 29,3%. Công trình kém bền vững và công trình không hoạt động là 150 công trình chiếm 50,5%.

Một số huyện có công trình kém hiệu quả và không hoạt động chiếm tỷ lệ cao như: Huyện Cao Phong có 41/49 công trình kém bền vững và không hoạt động. Huyện Yên Thủy có 5 công trình thì cả 5 công trình trong danh mục “đắp chiếu”. Huyện Kim Bôi có 46 công trình, trong đó 22 công trình kém bền vững, không hoạt động…

Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Trung tâm NSVSMT nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, tổng số người dân nông thôn bị ảnh hưởng từ những công trình cấp nước sạch kém hiệu quả, công trình không hoạt động gần 80.000 người. Tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN:2009/BYT đạt 50,1%. Tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 16,1%. Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch đạt 40,5%. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch đạt 40,5%.

Vì sao số công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn ở Hòa Bình lại kém hiệu quả, không hoạt động?

Nguyên nhân

Ông Trần Đại Nghĩa, Phó Phòng Kỹ thuật Truyền thông, Trung tâm NSVSMT nông thôn tỉnh Hòa Bình cho rằng: Phần lớn công trình được xây dựng từ 15 - 20 về trước, địa hình nông thôn phức tạp, mưa lũ nhiều đã tác động đến tuổi thọ công trình. Cũng có những công trình khi khảo sát thiết kế thì nguồn nước đảm bảo, nhưng vài năm sau nguồn sinh thủy cạn kiệt dẫn đến công trình kém hiệu quả.

Giám đốc Trung tâm Đặng Trung Thành lý giải: Ngoài lý do về thiên tai thì năng lực quản lý kỹ thuật của một số đơn vị quản lý còn yếu; năng lực kỹ thuật chuyên môn không đồng đều, số công nhân vận hành được đào tạo cơ bản thấp; trang bị phục vụ sửa chữa hệ thống công trình cấp nước ở các trạm còn thô sơ. Nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước không đều, không ổn định; nguồn nước mặt và nước ngầm ngày càng suy kiệt dẫn đến nhà máy hoạt động không hết công suất thiết kế do thiếu nguồn nước thô.

leftcenterrightdel
 Hòa Bình có trên 100.700 giếng đào cấp nước cho hộ gia đình và cụm dân cư. Sau nhiều năm sử dụng không được tu sửa, bảo vệ, hàng trăm công trình đã xuống cấp, bị bỏ hoang. Ảnh: Trung Hiếu

Một nguyên nhân cơ bản được ông Đặng Trung Thành đưa ra là, khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác, các chủ thể được giao quản lý công trình chủ yếu là tự khai thác (cấp nước, thu tiền); việc bảo dưỡng, sửa chữa công trình không được quan tâm đúng mực. Trong khi việc thu tiền nước hàng tháng rất khó khăn. Phần lớn thu không đủ chi. Nên khi công trình hư hỏng không được sửa chữa kịp thời dẫn đến nhẹ thành nặng.

Đơn cử, công trình cấp nước xã Nhân Mỹ, Tân Lạc, nguồn nước ở đây dư thừa công suất thiết kế, đường ống bằng kẽm đảm bảo chất lượng, công trình có nhà vận hành, người dân có ý thức bảo vệ. Tuy nhiên chỉ một lý do rất đơn giản là kinh phí để sửa chữa máy bơm không có. Dẫn đến công trình tiền tỷ bị bỏ hoang cả chục năm nay.

Ông Nguyễn Văn Canh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Cao, nơi có công trình cấp nước được đầu tư lớn nhất (hơn chục tỷ đồng) nhưng đã ngừng hoạt động 2 năm nay, cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình cấp nước sạch không hiệu quả là do khâu thẩm định, thiết kế và xây dựng công trình. Như công trình cấp nước sạch xã Thanh Cao lại xây dựng gần khu nghĩa trang của xóm. Ngay từ đầu người dân đã không đồng tình nhưng là “của Nhà nước làm cho, ai dùng thì dùng, ai không dùng thì thôi”.

Cũng như xã Thanh Cao, công trình nước sạch xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, lại bơm nước từ sông Lạng lên bể lọc, trong khi nguồn nước của con sông này không đảm bảo vệ sinh, bể lọc lại thô sơ. Từ đó, công trình chỉ vận hành được dăm bữa, nửa tháng là ngừng.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý Nhà nước về Chương trình NSVSMT nông thôn, ông Đặng Trung Thành khẳng định: Khâu quản lý, vận hành sau khai thác có vai trò quyết định đến việc duy trì hoạt động của công trình. Cần gắn trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình. Phân bổ vốn sự nghiệp xây dựng nông thôn mới hàng năm để nâng cấp, sửa chữa các công trình sau đầu tư. Đồng thời bố trí các nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa lại các công trình bị hư hỏng, đặc biệt là phải tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho công nhân quản lý, vận hành. Có sinh thì phải có dưỡng, không để công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn trở thành “đứa con rơi”.
CTV Nguyễn Trung Hiếu