8 tháng xảy ra 268 vụ cháy làm 6 người chết

Chiều 22/9, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban báo chí về công tác phòng, chống cháy nổ 8 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.

Thượng tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP xảy ra 268 vụ cháy (5 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 96 vụ cháy trung bình, 151 vụ cháy nhỏ, 11 vụ cháy rừng) và 1 vụ nổ.

Các vụ cháy đã làm 6 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,2 tỷ đồng; khu vực nội thành xảy ra 150 vụ (chiếm 56,2% số vụ cháy); loại hình cơ sở xảy ra cháy chủ yếu tại nhà dân, nhà kho, xưởng sản xuất (189 vụ, chiếm 70,8% tổng số vụ cháy). Ngoài ra còn có 424 vụ chập điện trên cột, 520 sự cố (chập điện trong nhà, cháy rác, phế liệu ...).

Theo Thượng tá Hiếu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy nổ là do chập điện (167 vụ, chiếm 62,5% tổng số vụ cháy).

So với cùng kỳ năm 2019, số vụ cháy giảm 105 vụ, giảm 10 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 35 tỷ đồng.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ PCCC, Công an TP còn tiếp nhận 154 tin báo cứu nạn cứu hộ, trong đó, mắc kẹt 31 vụ, đuối nước 33 vụ, tự tử 26 vụ, tai nạn giao thông 14 vụ...

Với công tác phòng cháy, từ đầu năm đến nay, Công an TP đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC với 36.377 lượt cơ sở, trong đó có 921 lượt kiểm tra liên ngành, phát hiện 13.676 tồn tại, thiếu sót; ra quyết định xử phạt 2.123 trường hợp, với số tiền phạt hơn 12,1 tỷ đồng; tạm đình chỉ 235 lượt cơ sở, đình chỉ 171 lượt cơ sở…

Từ nay đến cuối năm, Thượng tá Hiếu cho biết, Công an TP sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiếm tra an toàn PCCC; kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để kiến nghị khắc phục; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các cơ sở chưa đảm bảo an toàn về PCCC…

Kiểm tra 100 cơ sở thì một nửa vi phạm PCCC

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi của báo chí xoay quanh việc xử lý vi phạm về PCCC ở các khu chung cư, việc thực hiện PCCC ở các khu công nghiệp; việc kiểm tra các cơ sở sản xuất hóa chất trong khu dân cư, nhất là sau vụ cháy ở Nhà máy Phích nước Rạng Đông?

Trả lời câu hỏi của báo chí, Thượng tá Hiếu cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy nổ là do ý thức của con người trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, nếu làm tốt công tác tuyên truyền sẽ hạn chế được.

Về công tác PCCC ở các khu chung cư, Thượng tá Hiếu cho biết, đã tiến hành kiểm tra hướng dẫn an toàn về PCCC, kiểm tra diễn tập PCCC, bảo quản, bảo dưỡng chữa cháy định kỳ…

“Chung cư cũng là một cơ sở thuộc diện quản lý về công tác PCCC, Hà Nội có số lượng lớn chung cư nhưng cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về kiểm tra, xử lý vi phạm trong PCCC. Những cơ sở vi phạm không khắc phục sẽ bị cắt điện, cắt nước những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy”, Thượng tá Hiếu nói.

Đồng thời cho biết, nhà hộp diêm, chung cư mini tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, rất nguy hiểm. UBND TP đã giao Công an TP và các cấp chính quyền phải tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân ở khu vực này thực hiện phòng chống cháy nổ. Rất may là đến nay chưa có trường hợp cháy nổ gây thương vong ở những đối tượng nhà như vậy.

Chia sẻ thêm về công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô, Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP cho biết: Bức tranh về PCCC có chuyển biến đáng kể, tình hình cháy nổ từng bước giảm qua các năm. Các vi phạm về PCCC trước kia kiểm tra ở đâu ở đó có vi phạm, nhưng hiện nay giảm dần, kiểm tra 100 cơ sở thì có khoảng 1 nửa cơ sở vi phạm.

Về vi phạm phổ biến trong công tác PCCC, Đại tá Trần Ngọc Dương cho hay, có hiện tượng các cơ sở xây dựng các công trình theo quy định phải có thiết kế, lắp đặt thiết bị về PCCC, nhưng hiện nay nhiều đơn vị làm thiết kế cho xong mà không thi công, chỉ để “nằm” trên giấy.

“Dù cơ quan quản lý rất mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp phát triển nhưng không thể vi phạm các quy định của pháp luật”, Đại tá Trần Ngọc Dương chia sẻ.

Hải Hà