Chỉ thị nêu rõ, tình hình dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, tính đến nay, có trên 1 triệu người mắc bệnh, hơn 53 nghìn người tử vong ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ở Việt Nam và TP Hà Nội, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày, đã xuất hiện các ca lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế và trong cộng đồng. Dự báo, dịch còn lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người, kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia phòng, chống dịch Covid-19; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành 2 Chỉ thị (số 15 và 16) về phòng, chống dịch...

Trước yêu cầu của công tác phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, công tác phòng, chống dịch tại Hà Nội càng trở nên cấp bách.

Để tiếp tục giữ vững kết quả đạt được trong công tác chống dịch thời gian qua, đồng thời chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị và nhân dân Thủ đô thực hiện nghiêm túc 8 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, toàn hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; bám sát sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả; tập trung cao độ, ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức tiếp tục chủ động ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.

Thứ 2, tiếp tục tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận, thống nhất cao trong việc thực hiện giãn cách toàn xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16. Vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.

Thứ 3, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phụ trách, với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Phân công lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Lãnh đạo chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp.

Thực hiện tiết kiệm chi phí chi thường xuyên, cắt giảm những công việc chưa thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.

Thứ 4, Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng ứng phó trong tình huống triển khai phong tỏa diện rộng trên địa bàn TP khi cần thiết.

Chỉ đạo tiếp tục khẩn trương rà soát, theo dõi chặt chẽ, phát hiện và khoanh vùng, cách ly kịp thời những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh, không để lây lan dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng.

Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cương quyết dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để tình hình dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.

Chỉ đạo các ngành chức năng đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch của toàn TP; xử lý nghiêm việc đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực, thực phẩm.

Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Kêu gọi các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước có cổ phần chi phối thuộc TP thực hiện tiết giảm chi tiêu, chi phí hoạt động để dành kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Rà soát, hỗ trợ những trường hợp người lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù (ngoài các quy định của Chính phủ), chỉ đạo triển khai đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chủ động xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế ngay sau khi hết dịch bệnh...

Thứ 5, Đảng Đoàn HĐND TP phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND TP cân đối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch; xem xét, quyết định kịp thời các biện pháp hỗ trợ các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thứ 6, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của TP tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan thuộc TP ủng hộ tối thiểu mỗi người một ngày lương; vận động các tổ chức, nhân dân và các nhà hảo tâm, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực ủng hộ sáng kiến, kinh phí, hàng hóa, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Thứ 7, các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nắm chắc tình hình, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí TP và phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh; biểu dương người tốt, việc tốt; đồng thời đấu tranh, ngăn chặn, phản bác thông tin xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.

Thứ 8, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ thị. Trường hợp khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề đột xuất, kịp thời báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để được chỉ đạo giải quyết.

Hải Hà