“No bụng đầu gối… không bò!”

Giữa những ngày chuyển tiết trời này, tôi có mặt ở Nậm Kè - xã miền cực Tây của Tổ quốc, có 15,5 km đường biên với những bất ổn kể cả an ninh và kinh tế trước đó mà người ta chưa thể quên. Những ngày ấy, cuộc sống người dân ở đây phức tạp, lại nghèo khó nữa lên mỗi khi vào Nậm Kè, người ta như đem đến cho mình những thử sức.

Khác lần trước, lần gặp lại này, ông Giàng A Ly - Chủ tịch xã vui lắm, cứ nằng nặc rủ về nhà, rủ về xã cho bằng được. Ông bảo, người Mông, đã coi nhau là bạn thì phải đến nhà, phải thăm nhau mới biết đói no nó thế nào chứ. Đoán định tâm trạng ông cùng với những đổi thay ở Nậm Kè, tôi vượt dốc theo ông Giàng A Ly.

Con đường nối huyện với xã, trước những năm chia tách, khó khăn thế nhưng nay đã có những thay đổi. Dọc đường đi, không còn những khe nước nổi phềnh màu đỏ của váng chua, hoang hóa mà thay vào đó đã là những cánh ruộng, lúa đã gặt, chân rơm còn óng vàng sau mùa thu hoạch.

Dọc đường, ông Ly kể cho tôi nghe về chuyện làm ấm bụng và “ruộng nước” hóa ở đất này. Ông bảo, tất cả mọi thứ đều do đói nghèo mà ra cả. Nay có ruộng, có lương thực, dân ấm bụng nên đã tỉnh táo và bắt đầu yêu bản, yêu làng của mình lắm rồi.

Theo ông Ly, trước, dân trên đây chủ yếu làm nương thôi. “Cái hình thức” canh tác này đều trông nhờ trời cả nên đói no phập phù lắm. Phải làm ruộng nước thì mới chủ động và cho năng suất cao được. Học theo cán bộ, theo người miền dưới, lãnh đạo xã đã chỉ đạo và khuyến khích dân mở ruộng.

Sau khi đả thông tư tưởng, chuyển tải về cái hay và cái được cho dân, toàn Nậm Kè đã đi vào khai khẩn ruộng nước. Bằng việc tận dụng các khe suối, nơi đất bằng, với việc toàn dân chung sức này mà chả bao lâu, từ chỗ là xã hầu như không có ruộng nước, đến nay Nậm Kè đã có tới gần 200 ha lúa nước.

Bằng việc ruộng hóa đất hoang này, riêng trong 2 năm ngắn ngủi gần đây, Nậm Kè đã hoang hóa được thêm 40 ha lúa nước nữa. Ruộng được mở, được cải tạo, nước được chủ động đưa về mà cây lúa nước ở Nậm Kè dường như đã đem thóc về cho dân nhiều hơn. Sản lượng tăng, lương thực được đảm bảo, Nậm Kè đã nhanh chóng xóa đi những hộ đói. Đến thời điểm này, theo ông Giàng A Ly thì Nậm Kè đã không còn hộ đói.

Riêng trong năm 2020, Nậm Kè đạt mức tăng ấn tượng trên 995 tấn lương thực so với năm trước. Sản lượng thóc vượt mục tiêu huyện giao gần 20%; bình quân lương thực đầu người đạt trên 447 kg/năm.

leftcenterrightdel
Trồng cây ăn quả - Hướng đi mới cho người dân Nậm Kè. Ảnh: Phương Nguyên 

Các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm đều cơ bản phát triển ổn định. Những kết quả đó phản ánh sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân nơi đây về ổn định và phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Giữa những cánh ruộng đang chờ mùa vụ mới, ông Giàng A Ly vui vẻ: Tất cả mọi sự phức tạp trước đây của Nậm Kè đều do đói kém mà ra cả. Đến như con gà nhà mình thôi, mình nuôi nó mà để nó đói thì nó cũng bỏ vào rừng. Dân đây cũng thế, một thời đói, nên cái chân cứ muốn đi và để lại bao nhiêu hậu quả. Nay dân no cái bụng rồi, có kẻ xấu sai khiến thì cái đầu gối nó cũng không thèm bò khỏi bản nữa đâu.

Miền rừng bừng sáng!

Xã Nậm Kè bây giờ đã thay đổi nhiều hơn xưa. Con đường nối dài từ quốc lộ 4H vào trung tâm xã giờ đã được nâng cấp. Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ cấp 4 mới dựng cách đây chưa đầy 1 năm, ông Sùng A Kỷ, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Huổi Khon 1, chia sẻ: Cuộc sống của đồng bào ngày càng tốt lên nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước.

Hiện đường vào bản đã được mở rộng, rải cấp phối để ô tô đến tận nơi, có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, có điểm trường. Trước đây, trẻ em trong bản chưa được đi học nhiều, bây giờ thì cứ đến độ tuổi đi học, đều được đến trường học con chữ.

Ở bản còn có 4 gia đình là: Sùng A Chơ, Vàng A Hồ, Thào A Sinh, Giàng A Chính được Bộ Công an hỗ trợ làm nhà, lợp mái tôn vững chắc. Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước thì người dân trong bản cũng đã chủ động làm nương lấy hạt ngô, hạt thóc để ăn, chăn nuôi chứ không còn trông chờ vào trời nữa.

Để minh chứng cho những lời vừa nói, chỉ tay về phía đồi chít xa xa, ông Kỷ phấn khởi tiếp lời: Để tận dụng đất đai hiện nay nhiều hộ gia đình trong bản đã trồng thêm cây chít nhiên liệu. Nhiều gia đình đã có thu hoạch gần 2 tấn chít/năm cùng đó là hàng chục triệu đồng được đưa về.

“Bên cạnh trồng rừng, trồng chít nhiên liệu nhiều hộ gia đình còn trồng cây sa nhân, cà phê. Các cây trồng này đều mang lại thu nhập khá ổn định cho dân. Đặc biệt là dân bản không còn chăn nuôi theo kiểu thả rông mà đã nuôi nhốt và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình, gia đình ông Sùng A Măng vừa mới xuất chuồng gần 20 con lợn thịt với khối lượng hơn 1 tạ/con cho thu nhập khá cao”, ông Kỷ vui vẻ cho biết!

leftcenterrightdel
 Cơ sở vật chất được đầu tư ngày một nhiều hơn cho Nậm Kè. Ảnh: Phương Nguyên

Bản Huổi Khon 2, nơi phức tạp của những năm về trước nay đã là chỗ định cư ổn định cho nhiều gia đình người Mông. Trưởng bản Thào A Da vui vẻ: Bằng việc đưa ruộng lên núi này nên dân Huổi Khon cũng như toàn xã Nậm Kè đã no bụng lắm rồi. Cũng nhờ ruộng nước và canh tác mới mà bản mình đã có tới 70% hộ gia đình có tiền để mua xe máy và tivi. Cái nước sạch cũng đã được Chính phủ đầu tư cho bản mình bằng 4 bể chứa đấy...

Hiện nay, bằng việc mở ruộng, đẩy mạnh sản xuất mà hộ nghèo ở Nậm Kè đã giảm nhanh chóng. Một số bản như: Phiêng Vai, Nậm Kè, Chuyên Gia 3, Huổi Thanh 1, Huổi Thanh 2 đều có tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh trong các năm.

Khi dân no bụng, để có sự tăng trưởng hơn, phát triển chăn nuôi cũng đang là hướng được triển khai ở Nậm Kè. Tại 11 bản hiện nay của Nậm Kè đều được quy hoạch để phát triển đồng cỏ, tạo bãi chăn thả gia súc. Nhờ diện tích đồng cỏ này mà đàn gia súc phát triển nhanh, trung bình mỗi năm, người dân bán khoảng 150 gia súc ra thị trường.

Trong các gia đình ở Nậm Kè thì gia đình các ông Vàng A Giống, Thào A Sang (Huổi Khon), Vàng A Sử (Huổi Hốc) nổi tiếng là chăn nuôi và làm ăn giỏi.

Trong mỗi hộ gia đình này luôn duy trì tới 10 con gia súc được chăn thả. Riêng nhà ông Vàng A Sử, năm vừa qua đã có thu nhập tới 100 triệu đồng từ việc bán trâu, bán thóc. Nhờ nguồn thu nhập này mà các con ông được nuôi nấng và học hành đầy đủ, gia đình mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền!

Đức Tuyền