Bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT

Báo cáo của BHXH Việt Nam tại hội nghị giao ban tháng 10 cho thấy, trong 9 tháng năm 2020, cả nước có trên 15,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; có gần 13 triệu người tham gia BH thất nghiệp (TN), đạt 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; trên 86,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số.

So với cuối năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tăng trưởng dương. Riêng BHXH tự nguyện, đến hết tháng 4 chỉ duy trì bằng số người tham gia của năm 2019 nhưng đến nay đã đạt trên 844.741 người, tăng 381.638 người so với năm 2019.

Đáng chú ý, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid -19, ngành BHXH vẫn đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT.

Cũng theo báo cáo, trong 9 tháng năm 2020, cả nước đã chi 171.411 tỷ đồng cho 8.343.061 người hưởng BHXH; 11.135 tỷ đồng cho 797.485 người hưởng chế độ BHTN.

So với cùng kỳ năm 2019, tuy số người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản giảm, nhưng số người được giải quyết hưởng chế độ BHXH hàng tháng, BHXH một lần và BHTN đều tăng. Tương ứng là số chi BHXH, BHTN cũng tăng so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt là số chi BHTN tăng mạnh (145%).

Cả nước cũng đã có 120,598 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT; số chi KCB BHYT các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT là 73.920 tỷ đồng (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân), tương ứng 71,7% tổng dự toán chi KCB BHYT năm 2020.

Đi liền với đó, là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, ngành BHXH tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Toàn ngành BHXH “tăng tốc”

Song, dịch Covid-19 đã khiến tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất khẩu…

Đồng thời, với việc phải hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp dẫn đến số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm; tổng số số thu BHXH, BHTN, BHYT có tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ so với kế hoạch cả năm thấp hơn cùng kỳ (hết tháng 9/2019, số thu toàn ngành đã đạt 72,4% kế hoạch năm). 

Bên cạnh đó, số tiền nợ BHXH, BHYT khoảng 19.899 tỷ đồng (bằng 4,93% số phải thu và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019).

Trong khi đó, theo tính toán, để đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 và kế hoạch đề ra của ngành BHXH năm 2020, trong 3 tháng cuối năm, cần phải phát triển thêm trên 1,7 triệu người tham gia BHXH; trên 1,3 triệu người tham gia BHTN.

Riêng với BHYT, để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số theo kế hoạch, cũng cần thu hút thêm trên 1,3 triệu người tham gia. 

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả thực hiện tháng 9/2020 của ngành đã tăng so với quý trước và tháng 8/2020.Đặc biệt, những ý kiến đóng góp của ngành đã được Chính phủ, Quốc hội đồng tình, đánh giá cao. Đây là bước đà quan trọng để toàn ngành BHXH “tăng tốc”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH các tỉnh, TP cần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả đối với từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, các cơ quan BHXH cần tăng cường rà soát số liệu, tìm ra dư địa phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo từng nhóm để có giải pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả… Đồng thời, tiếp tục tham mưu để các cấp chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trên địa bàn, coi đây là trách nhiệm chung, xuyên suốt đến tận xã, thôn, xóm.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thu, ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các địa phương cần bám sát dự toán thu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có cơ quan thuế để rà soát các nhóm tham gia BHXH bắt buộc, tăng cường thanh tra đột xuất các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cần kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị chây ỳ, sử dụng các biện pháp, đôn đốc, bám sát dòng tiền, tình hình doanh nghiệp; công khai doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố hình sự với doanh nghiệp vi phạm chính sách BHXH, BHYT…

Trần Trung