Giảm thủ tục, tăng trách nhiệm

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Lê Sỹ Chiến, triển khai cơ chế một cửa, giải quyết công việc thông qua hệ thống mạng máy tính đã giúp người đến giao dịch nắm được thời gian công việc, tình trạng giải quyết hồ sơ, TP đã tiến hành rà soát, bãi bỏ hàng chục thủ tục hành chính (TTHC) không phù hợp.

“Đơn cử, rút ngắn thời gian giải quyết 2 thủ tục liên quan lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng như: Điều chỉnh thời gian giải quyết thủ tục giất phép xây dựng nhà ở tư nhân và thủ tục gia hạn giấy phép xây dựng nhà ở tư nhân từ 20 ngày xuống còn 15 ngày… Cùng với đó đã thành lập tổ công tác kiểm tra TTHC, công vụ theo kế hoạch và đột xuất; tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”, ông Chiến bày tỏ.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ tại các huyện, thành, thị, thời gian qua, việc đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục được các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh chú trọng thực hiện.

Điển hình như: Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện giảm thời gian giải quyết TTHC thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT trực tiếp nội tỉnh từ 25 ngày xuống còn 20 ngày; thí điểm giao dịch điện tử trong giải quyết chế độ ngắn hạn như ốm đau, dưỡng sức, thai sản tại một số đơn vị, doanh nghiệp.

Công an tỉnh rà soát thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, đề xuất Bộ Công an kiến nghị Chính phủ cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh.

Sở Nội vụ thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết của 39 TTHC với thời gian giảm của một thủ tục từ 2-5 ngày.

Trong việc cấp giấy phép lái xe, sau khi hội đồng sát hạch rà soát, tổng hợp số liệu và chuyển danh sách qua mạng Internet cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải ký quyết định trúng tuyển. Chỉ sau khoảng 1 giờ, học viên có thể nhận giấy phép lái xe ngay tại Trung tâm Sát hạch cơ giới đường bộ.

Sở Tài chính rút ngắn 20% thời gian giải quyết TTHC liên quan đến thủ tục mua sắm tập trung; giảm 33% thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách Nhà nước.

Sở Y tế rút ngắn thời gian cấp, điều chỉnh nội dung chứng chỉ hành nghề y - dược cũng như triển khai phần mềm KCB và thanh toán BHYT cho tất cả các cơ sở KCB từ tuyến tỉnh đến huyện và kết nối liên thông lên Cổng BHXH Việt Nam và cổng thông tin của Bộ Y tế.

Sau khi Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động, tỉnh đã phê duyệt danh sách cán bộ, công chức, viên chức, danh mục TTHC giải quyết tại trung tâm, danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngoài ra, các ngành, địa phương cập nhật thông tin về các số điện thoại đường dây nóng ở các cấp và kiện toàn hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cơ quan, đơn vị, như: Sở Xây dựng lắp đặt thiết bị điện tử đánh giá chất lượng dịch vụ đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp theo 4 mức độ tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế 1 cửa của sở.

Nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục

Trong những năm qua, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã cắt giảm thời gian TTHC ở nhiều lĩnh vực. Việc cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết đã giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc của công chức, viên chức.

Bằng chứng là những năm gần đây, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An đã có nhiều khởi sắc, không ngừng tăng thứ hạng hàng năm. Năm 2019, Chỉ số PCI của Nghệ An dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ, đứng thứ 18 cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2018. Trong đó, 8 trên 10 chỉ số thành phần, gồm: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đã cải thiện đáng kể. Đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, ông Trần Anh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An cho biết: “Người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng về công tác cải cách hành chính mà tỉnh thực hiện trong thời gian qua. Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn”.

Ông mong rằng, tỉnh Nghệ An cần nỗ lực và quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, cần tinh giảm tổ chức bộ máy nhằm giảm số người ăn lương ngân sách, công tác quy hoạch cán bộ cần chọn đúng người để tạo điều kiện để thu hút người tài, lấy con người làm trọng tâm để công tác cải cách hành chính ngày càng đáp ứng được sự mong mỏi, hài lòng từ phía người dân và doanh nghiệp.

Theo đại diện Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Nghệ An, công tác này của Nghệ An vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Tình trạng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá một lần/năm vẫn còn xảy ra, chưa giải quyết triệt để gây nhiều phiền phức cho doanh nghiệp, trái với tinh thần Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp”. Đáng nói, những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp chưa được tiếp thu, khắc phục kịp thời.

Ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: “Nhằm tạo bước đột phá, tạo tiền để nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh làm tốt công tác cải cách hành chính tại 7 cơ quan, đơn vị giai đoạn 2018- 2020, làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp chi nhánh VCCI Nghệ An, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp và một số thành phần người dân thực hiện việc lấy ý kiến độc lập tại 7 cơ quan, đơn vị này để đánh giá mức độ triển khai đảm bảo khách quan”.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tránh tình trạng trên “nóng” dưới “lạnh”, tỉnh Nghệ An cần xây dựng một nền hành chính lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo quan trọng, quyết định cho chỉ số này.

CTV Xuân Thống