Ngày 10/7, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến tăng trưởng kinh tế của TP, các vấn đề dân sinh và đã được các sở, ngành, UBND TP giải trình.

Theo đại biểu Trần Quang Thắng, hiện nay, việc xây nhà cao tầng đang là xu hướng của đô thị TP. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển của nhà cao tầng là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, ngập nước.

Ông Thắng kiến nghị, TP cần có chính sách thu phí những công trình xây nhà cao tầng. Đây sẽ là kinh phí dự phòng để giải quyết các vấn đề về ngập nước, ùn tắc giao thông.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (quận Thủ Đức) chia sẻ, khi tiếp xúc, cử tri phản ánh về việc buông lỏng trong công tác quản lý, để đầu nậu tích trữ đất, thu gom đất làm dự án bán lại cho người dân. Ở đây có nhiều nguyên nhân, đó là, người dân không nắm được quy định pháp luật, nhu cầu nhà ở không đáp ứng được.

Đồng thời, mong muốn TP tính toán lại chương trình nhà ở. Nếu cưỡng chế những trường hợp này thì bố trí cho người dân ở đâu, bởi vì họ là người nghèo, gom góp được ít tiền mua miếng đất cất nhà ở. Theo quy định pháp luật, sai thì sai rồi, nhưng trách nhiệm của chính quyền đến đâu trong việc lo chỗ ở cho người dân?

Các đại biểu cũng nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh như trợ giá cho xe buýt nhưng chất lượng và số lượng hành khách đi xe buýt ngày càng giảm, đồng thời đề nghị các sở, ngành, UBND TP có giải pháp xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Quang Lâm cho biết, năm 2011 - 2012, có thời điểm trợ giá xe buýt 1.300 tỷ đồng/năm. Những năm gần đây, Sở GTVT được giao gần 1.000 tỷ đồng. Hệ thống định mức đơn giá, khấu hao phương tiện, tiền lương, chi phí tăng cao nên cần điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Theo Giám đốc Sở GTVT, để sử dụng ngân sách hiệu quả nên đã thực hiện các giải pháp như tiếp tục rà soát mạng lưới tối ưu hơn, thực hiện tổ chức đấu thầu tuyến, kết hợp đổi phương tiện; xây dựng đề án chính sách giá vé…

Làm rõ một số ý kiến đại biểu đặt ra về vấn đề chống ngập, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, đối với dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã hoàn thành 85%, dự kiến tháng 10/2020 đưa vào sử dụng.

Theo ông Hoan, nhiều giải pháp chống ngập đã được TP làm và sắp tới làm tiếp thực hiện. Trong đó có những giải pháp như yêu cầu các chủ đầu tư khi xây dựng các khu đô thị mới từ 50 - 100ha trở lên phải có hồ điều tiết. Những dự án công trình nào nằm ven sông, lân cận sông có thể quản lý hệ thống sông, rạch để tạo sự thoát nước tự nhiên. TP dự kiến dành 5.000 - 10.000ha diện tích đất ở khu vực các triền ven sông để giảm ngập tự nhiên.

Tuấn Nhật