Tiêu biểu trong số đó phải kể đến công trình đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần (huyện Cô Tô). Đây là công trình được đóng điện và gắn biển chào mừng Đại hội đúng vào ngày Quốc khánh 2/9 vừa qua.

Sau sự kiện đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô mấy năm trước; sau đó là đưa điện ra các xã đảo của huyện Vân Đồn, xã Cái Chiên của huyện Hải Hà, và đến nay là đưa điện lưới ra đảo Trần, đã thể hiện sự quyết tâm, năng động, sáng tạo, đồng lòng của Quảng Ninh trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Với việc đóng điện lưới ra đảo Trần, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu đưa điện lưới ra tất cả các đảo có người dân sinh sống. Đảo Trần là một trong những hòn đảo tiền tiêu, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh ở phía Đông Bắc của Tổ quốc. Có điện lưới, sẽ mở ra cho đảo Trần những cơ hội phát triển mới, làm thay đổi diện mạo cũng như cuộc sống của người dân nơi đây. Đồng thời, tạo sức hút để người dân nơi khác đến sinh sống, tham gia sản xuất và bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Hay như công trình hệ thống giao thông kết nối 104 thôn, bản của huyện Bình Liêu, có tổng chiều dài 250km, với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Đây là công trình được triển khai đa phần trên địa bàn các xã vùng cao của huyện miền núi biên giới Bình Liêu với điều kiện kinh tế và đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Việc đưa công trình vào khai thác, sử dụng sẽ tạo động lực để các xã khó khăn có điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch so với các vùng, miền khác trong tỉnh... Và hơn thế nữa, đây còn là công trình mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; góp phần tiếp tục củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo địa phương.

leftcenterrightdel
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, chỉ trong 60 ngày, công trình đường nối từ Quốc lộ 18A vào Khu Di tích Yên Tử đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: TTTT 
 

Bên cạnh đó, phải nói đến công trình đường nối từ Quốc lộ 18A vào Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, có tổng chiều dài hơn 12km; đoạn từ ngã ba Dốc Đỏ đến Km3+100, dài 3,1km do TP Uông Bí làm chủ đầu tư, được khởi công từ ngày 2/7/2020. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, chỉ trong 60 ngày vừa giải phóng mặt bằng vừa thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.

Đây là công trình rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị lịch sử, tiềm năng, thế mạnh của Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh mà còn là công trình góp phần chuẩn bị cho việc UNESCO công nhận Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.

Đồng thời, đây cũng là công trình nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo không gian cảnh quan địa phương, hoàn thiện tiêu chí đô thị loại 2 của TP Uông Bí; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Còn nhiều công trình quan trọng, ý nghĩa khác cũng vừa được gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 như: Công trình tuyến đường từ Cảng Hàng không quốc tế Quảng Ninh đến khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; cụm công trình Trung tâm Hành chính tỉnh; công trình giảng đường Đại học Hạ Long... Từ các công trình này, niềm vui, động lực, sự tự hào trong các tầng lớp nhân dân sẽ lan tỏa, góp phần khẳng định nỗ lực không ngừng vươn lên của tỉnh Quảng Ninh với vai trò là một cực tăng trưởng phía Bắc, một trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước.

Trọng Tài