Dân số toàn tỉnh Cao Bằng hiện có trên 53 vạn người; có 27 thành phần dân tộc, trong đó có 8 dân tộc chủ yếu, gồm: Tày chiếm 40,97%; Nùng 31,08%; Mông 10,13%; Dao 10,08%; Kinh 5,76%; Sán Chỉ 1,39%; Lô Lô 0,47%; Hoa 0,03 %; dân tộc khác 0,09%. Giữa các dân tộc có sự chênh lệch lớn về sự phát triển.

Vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại một số địa phương trong tỉnh vẫn còn tồn tại, đặc biệt đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn từ 2015 - 2020 (giai đoạn 1) tại tỉnh Cao Bằng, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống xảy ra tại một số dân tộc như Mông, Dao, Nùng... chủ yếu là dân tộc Mông và Dao. Tỷ lệ tảo hôn của nam nhiều hơn nữ, tuổi tảo hôn thấp nhất đối với nữ là 13 tuổi, tuổi tảo hôn thấp nhất đối với nam là 14 tuổi .

Số cặp tảo hôn cả giai đoạn 1.394 cặp, trong đó cặp tảo hôn cả 2 người là 640, số cặp tảo hôn 1 người là 757.

Tỷ lệ số cặp tảo hôn cả giai đoạn chiếm 6,8% so với tổng số cặp kết hôn; tuy nhiên tính theo từng năm, số cặp tảo hôn của tỉnh Cao Bằng giảm rõ rệt, năm 2015 chiếm 7%, đến năm 2020 chỉ còn 3% so với các cặp kết hôn.

Số lượng các trường hợp kết hôn cận huyết thống theo năm và cả giai đoạn (2015-2020) là 26 cặp, năm 2015 có 5 cặp, đến năm 2019 còn 3 cặp, năm 2020 chưa có trường hợp nào xảy ra, chủ yếu thuộc dân tộc Mông, Dao.

Hậu quả trực tiếp của việc tảo hôn là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất học, đặc biệt đối với trẻ em gái, tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ, chưa đảm bảo được vai trò mang thai, sinh đẻ và làm mẹ, trẻ sinh ra thường bị nhẹ cân, còi cọc, suy dinh dưỡng hoặc bị dị dạng, dị tật bẩm sinh.

Chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm để quản lý và chăm lo đến cuộc sống của gia đình, dễ phát sinh những mâu thuẫn, phát sinh bạo lực gia đình, tỷ lệ ly hôn cao. Mỗi cặp tảo hôn tách hộ nguy cơ phát sinh thêm 1 hộ nghèo tại địa phương. 

Việc kết hôn cận huyết thống ảnh hưởng đến chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm tăng nguy cơ sinh con mắc bệnh, tật bẩm sinh như: Suy giảm thính lực sớm, mắc các bệnh di truyền về máu, suy giảm thị lực sớm, chậm phát triển tâm thần, trí tuệ, động kinh, tăng tử vong sơ sinh hoặc trong năm đầu sau sinh không rõ nguyên nhân. Những gia đình có con mắc bệnh, tật bẩm sinh ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế gia đình, làm gia tăng hộ nghèo tại địa phương.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 444/KH-UBND ngày 2/3/2021 về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II) theo Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2021.

Trong đó, xác định việc thực hiện đề án nhằm nâng cao nhận thức, ý thức thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Dân số - kế hoạch hóa gia đình, Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh bằng nhiều hình thức trực tiếp tới người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới…

Tại các xã còn xảy ra tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, công tác tuyên truyền sẽ được tổ chức bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền, vận động thông qua hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; qua các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng, lưu động tại thôn bản và tại gia đình, cá nhân có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Đồng thời, lồng ghép hoạt đông tuyên truyền với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn được thể hiện qua các hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa trong trường học, hoạt động của các câu lạc bộ, các tổ, nhóm.

Các cuộc tuyên truyền được tổ chức từ các xóm, xã, trường học và có trên 80% người dân trong độ tuổi từ 12 đến 60 tuổi được nghe ít nhất 1 lần trong năm trên địa bàn toàn tỉnh.

Một kênh tuyên truyền khác cũng được sử dụng là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng qua việc xây dựng phóng sự, chuyên đề về hậu quả của tệ nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Tiếp tục triển khai các hoạt động duy trì mô hình điểm tại các huyện và nhân rộng các mô hình tuyên truyền đã có hiệu quả; củng cố, thành lập các câu lạc bộ tiền hôn nhân (có từ 10 đến 35 thành viên là thanh niên tham gia sinh hoạt). Nội dung sinh hoạt bao gồm: Tư vấn về Luật Hôn nhân và Gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đề nghị các địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung của đề án vào quy ước, hương ước của các xóm, bản, tổ dân phố. Tổ chức ký giao ước xóm, bản văn hóa, gia đình văn hóa không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống.

Đồng thời Ban Dân tộc tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn để triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

Thành Nam