Làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm ATANM

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA khẳng định: Năng lực bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) của đất nước dựa trên một nền tảng quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái ATTT do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Qua đó, các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp Make in Vietnam sẵn sàng bảo đảm an toàn, an ninh mạng (ATANM) cho chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sứ mệnh các doanh nghiệp công nghệ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ATANM (ATANM) Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Để làm tốt việc này, chúng ta phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm ATANM, phải xây dựng được một nền công nghiệp ATANM hùng mạnh. 

Hiện, toàn ngành làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm ATANM phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước; dự kiến đến đầu năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ 100%. Đây là điều rất ít nước trên thế giới làm được và đó là niềm tự hào của Việt Nam, trong đó có vai trò của Hiệp hội và các doanh nghiệp ATANM Việt Nam.

Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng thì phải biết bảo vệ mình trên không gian mạng. Sứ mệnh của ATANM Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Do vậy, chúng ta phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm ATANM, xây dựng một nền công nghiệp ATANM hùng mạnh.

Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng nguồn mở. Đây là một thuận lợi cho các doanh nghiệp ATANM Việt Nam. 

Mặt khác, các doanh nghiệp ATANM phải hợp tác chặt chẽ ngay từ đầu với các doanh nghiệp phát triển sản phẩm và dịch vụ ICT để các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống ICT được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Chúng ta phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia về an toàn an ninh mạng làm nòng cốt. Riêng về lĩnh vực ATANM, các chuyên gia giỏi và nền công nghiệp là yếu tố quan trọng ngang nhau.

Ngoài doanh nghiệp và công cụ, cần phải có các cá nhân xuất sắc. Vì công cụ chỉ xử lý được các lỗ hổng đã biết. Những lỗ hổng chưa biết chỉ có các chuyên gia mới xử lý được. 

Việt Nam sẽ tự chủ về ATANM

Các doanh nghiệp ATTT phải có cách tiệp cận mới để phổ cập ATANM tới mọi cá nhân tổ chức. Đó có thể là việc các sản phẩm ATANM được phát triển dưới dạng các nền tảng (platform). Cũng có thể là khi dịch vụ ATANM được cung cấp như một dịch vụ cơ bản miễn phí để phổ cập và thu phí dịch vụ nâng cao… Và công khai giá cơ bản của các sản phẩm ATANM. 

Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TT&TT cho biết, tự chủ công nghệ về sản phẩm, giải pháp, dịch vụ ATTT sẽ là giải pháp căn cơ để đảm bảo ATANM Việt Nam. 

Phát triển hệ sinh thái ATANM Việt Nam là tiền đề để phát triển nền công nghiệp ATANM Việt Nam. Tỷ lệ chủng loại sản phẩm ATTT trong 5 năm qua đang tăng lên trông thấy. Năm 2015, nước ta chỉ có khoảng 5% sản phẩm nội địa ATTT, đến nay, tỷ lệ này đã đạt 91% và hướng tới 100% vào năm 2021.

Tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa về ATTT so với sản phẩm nước ngoài đã tăng từ 18% từ năm 2015 lên 39% năm 2019, dự kiến đến cuối năm sẽ là 45%. Doanh thu về ATTT năm 2020 dự kiến đạt 1.900 tỷ đồng. Những kết quả này đã cho thấy sự lớn mạnh của một hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ ATANM Make in Vietnam. 

Thời gian tới, định hướng của Bộ TT&TT là tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường ATANM trong nước với trọng tâm là hệ sinh thái các sản phẩm ATANM Việt Nam. Đây sẽ là những tiền đề căn bản để biến Việt Nam trở thành một cường quốc về an ninh mạng. 

Việt Nam cũng cần tham gia, đóng góp tích cực hơn cho các hoạt động ATANM quốc tế. Tạo ra một không gian mạng Việt Nam an toàn, chia sẻ thông tin, tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế, đóng góp cho thị trường quốc tế. Phát triển các doanh nghiệp ATTT lớn mạnh, sản phẩm ATTT chất lượng cao là phương pháp tốt nhất để thực hiện mục tiêu này.

Thế giới đang đầu tư ngày một lớn cho an ninh mạng

Theo ông Nguyễn Sơn Hải - Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel, vấn đề ATTT là nguy cơ mà các cơ quan, tổ chức phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số. 

Thời gian qua đã liên tục có các vụ tấn công mạng lớn trên toàn cầu. Năm 2017, có 5.1 Petabytes dữ liệu big data bị lộ. Năm 2019, công ty năng lượng Anh đã bị phising lừa đảo 243.000 USD. Năm 2020 có 2.3 triệu bản ghi của Antheus (Brazil) bị lộ lọt.

Trong năm nay, cũng có tới 500.000 thông tin tài khoản Zoom bị rao bán trên mạng. 

Tại Việt Nam trong năm qua, có 3 triệu cuộc tấn công từ chối dịch vụ được ghi nhận bởi hệ thống giám sát an ninh mạng của Viettel. Có khoảng 156 tổ chức và 306 website của các tổ chức chính phủ bị tấn công. Có 4 chiến dịch tấn công phising lớn vào tất cả các ngân hàng với khoảng 26.000 người dùng ngân hàng bị ảnh hưởng. 

Dù ngân sách suy giảm do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều cơ quan, tổ chức vẫn giữ nguyên mức đầu tư cho ATTT. Do tác động của Covid-19, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang làm việc trên môi trường online. Chính bởi vậy, Covid-19 sẽ tạo ra những động lực mạnh mẽ và thúc đẩy thị trường an ninh mạng. 

 

 

 

 

Thái Hải