Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết, hiện tại, nông thôn Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống, trong đó, khoảng cách giữa các vùng nông thôn, giữa nông thôn và thành thị đang ngày một chênh lệch, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, điển hình là dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid- 19 đòi hỏi nông thôn cũng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế của thời đại trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ số được coi là giải pháp ưu việt giúp khoảng cách, chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị xích lại gần nhau hơn.

Xu hướng trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay đều đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 dựa trên nền tảng của chuyển đổi số, kinh tế số, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo hay các ứng dụng khác. Trong xu thế như vậy, việc chuyển đổi số, định hướng nông nghiệp thông minh là xu thế tất yếu.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau 10 năm đã có 5.350 xã (chiếm trên 60% số xã của cả nước), 152 đơn vị cấp huyện (đạt 22,7%) đạt chuẩn nông thôn mới.

Giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp nói chung cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới đứng trước thách thức rất lớn. Đầu tiên là vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam theo các chuyên gia đánh giá là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Thứ hai là thách thức do vấn đề dịch bệnh từ cây trồng, vật nuôi cho đến dịch Covid - 19. Dịch bệnh đã làm thay đổi trong cả chuỗi sản xuất, làm cho nhiều chuỗi sản xuất của chúng ta bị đứt gãy, giữa người sản xuất và người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn thói quen khi việc giao dịch phi tiếp xúc trực tiếp ngày một tăng cao.

Thứ ba là vấn đề thách thức cạnh tranh toàn cầu, trong quá trình hội nhập, kể cả nông sản, chúng ta không thể thuần túy cạnh tranh trên thị trường trong nước, trong tỉnh mà còn cạnh tranh cả những tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.

Với những tồn tại trên, Đảng, Chính phủ xác định giai đoạn 2021 - 2025, phải đưa nông thôn mới vừa phát triển toàn diện mà phải bền vững về chiều sâu, thích ứng với bối cảnh mới. Chuyển thách thức thành cơ hội và cuộc cách mạng 4.0, cách mạng chuyển đổi số chính là thách thức và cơ hội để thúc đẩy nông thôn, nông nghiệp phát triển mang tính bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về vấn đề phát triển xã hội số, kinh tế số trong chuyển đổi số quốc gia và vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp, quản lý, truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp để hạn chế hàng giả, hàng nhái…

 

Lê Phương