Đổi thay trên vùng đất bazan

Từ lâu, huyện Nghĩa Đàn đã nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là một trong những cái "nôi" của người Việt cổ, có nền tảng kinh tế, văn hóa, xã hội sớm phát triển mang đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn. Với tiềm năng của vùng đất đỏ bazan màu mỡ, với hệ thống giao thông thuận lợi, nhân dân bao đời cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường trên mọi mặt trận.

Chị Trương Thị Vân Anh, Trưởng phòng Dân tộc cho biết: Huyện Nghĩa Đàn có dân số 146.244 người, trong đó đồng bào DTTS có 42.321 người, chiếm 29% dân số toàn huyện. Các dân tộc chủ yếu như Thổ, Thái cùng 682 người thuộc số các dân tộc ít người khác. Toàn huyện có 15 xã khu vực I và 9 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN) theo Quyết định 861/2021 của Chính phủ.

Sau gần 15 năm hình thành và xây dựng, đến nay, huyện Nghĩa Đàn đã chuyển biến tích cực và thực sự “thay da đổi thịt”. Với bộ mặt của khu hành chính mới khang trang, hiện đại, kiểu mẫu, huyện đã chú trọng phát triển một số cây trồng chủ lực nhằm phục vụ công nghiệp chế biến, đẩy mạnh công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh quan tâm khuyến khích, thu hút đầu tư đưa các dự án (DA) lớn của tỉnh, Trung ương vào địa bàn như: DA chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung theo quy mô công nghiệp lớn nhất khu vực Đông Nam Á, DA trồng rừng công nghệ cao và Nhà máy Chế biến gỗ MDF, DA rau, củ, quả sạch xuất khẩu  và các DA công nghệ cao khác triển khai và phát huy hiệu quả, phát triển đồng thời cùng với việc hình thành các khu công nghiệp mới được hình thành… đã tạo nên một huyện Nghĩa Đàn với một diện mạo mới, tầm cao mới.

Đến nay, toàn huyện có 14/22 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 8/14 xã vùng đồng bào DTTS&MN; đến hết năm 2020, hộ nghèo còn 938 hộ, chiếm 2,65%, riêng số hộ nghèo người DTTS là 509 hộ, chiếm 54 % số hộ nghèo toàn huyện.

Nhiều chính sách hiệu quả trong đồng bào DTTS

Xác định mục tiêu của huyện Nghĩa Đàn phấn đấu xây dựng trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An và xây dựng thành công huyện NTM, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo, đưa ra các giải pháp xây dựng NTM trên toàn địa bàn huyện. Thông qua xây dựng NTM, nhân dân đã có nhiều cách làm sáng tạo trong sản xuất, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đưa các cây con mới vào thực tế để triển khai gắn việc phát triển kinh tế với chăm lo sự nghiệp văn hóa, giáo dục, góp phần chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày một được nâng lên.

leftcenterrightdel
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và huyện động viên lực lượng tại chốt kiểm soát dịch xã Nghĩa Hội. Ảnh: Thái Trường

Trưởng phòng Dân tộc huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm: Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện có 5 xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III), 11 xã khu vực II với 49 xóm đặc biệt khó khăn. Thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn này, huyện Nghĩa Đàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đối với Chương trình 135 với số vốn bố trí 61.803 triệu đồng đã thực hiện 175/175 công trình (thuộc DA Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng) và 12.532,137 triệu đồng đã thực hiện tập huấn, hỗ trợ bê cái, lợn nái, dê giống cho 911 hộ (thuộc DA hỗ trợ phát triển sản xuất). Đối với chính sách hỗ trợ cho học sinh theo Nghị định  86/2015, Nghị định 116/2016, Nghị định 06/2018 và Nghị định 105/2020 của Chính phủ được thực hiện cho học sinh DTTS, học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo...

Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; chính sách đối với người có uy tín và các chính sách về bảo tồn, phát triển văn hóa- thông tin truyền thông; y tế, dân số; hỗ trợ người lao động và tín dụng ưu đãi cũng được quan tâm thực hiện.

Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 32/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình, trong những năm qua, UBND huyện và Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật huyện luôn quan tâm thực hiện tốt công tác TGPL cho người nghèo và đồng bào DTTS, hoạt động TGPL được tổ chức đa dạng về hình thức và nội dung.

Trong giai đoạn 2016- 2020 đã thực hiện TGPL lưu động miễn phí cho 78 thôn, bản đặc biệt khó khó của các xã vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện, với 1.674 vụ việc, cho 2.764 lượt đối tượng được TGPL miễn phí trên các lĩnh vực chủ yếu về; chế độ chính sách về đất đai, hôn nhân - gia đình, chế độ chính sách cho người có công, giải quyết thủ tục hành chính, hộ tịch.

Ông Lê Thái Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Có thể khẳng định, kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian qua trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới; đặc biệt là ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi, nhất là về cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông nông thôn, trường học... giải quyết các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về sản xuất, đi lại, học tập, chăm sóc sức khoẻ...

Các chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa xã hội có bước chuyển biến tích cực; công tác chính sách xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, góp phần không nhỏ trong công tác xây dựng NTM vùng đồng bào DTTS&MN của huyện.

Quan tâm chăm lo công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả cũng góp phần xây dựng hệ thống chính trị vùng DTTS thường xuyên được tăng cường, củng cố xây dựng vững mạnh; nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đoàn kết, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 vừa được Chính phủ phê duyệt; thực hiện tốt các chính sách gắn làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết trên địa bàn.

Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc ở vùng đồng bào DTTS trong tình hình mới.

Đồng thời, huy động và lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, DA, chính sách để tập trung đầu tư hỗ trợ cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Xuân Thống