Tham gia tuyến đầu

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã phát động phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo boluse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”. Hưởng ứng phong trào này, đến nay đã có gần 1.300 lượt tăng ni, cư sĩ, Phật tử tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở Phật giáo trong cả nước tham gia tuyến đầu phòng dịch, hỗ trợ nhân dân các khu cách ly.

Tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP đã 2 lần tổ chức lễ xuất quân cho các vị tăng ni, Phật tử cùng chức sắc, tu sĩ của Công giáo và đạo Tin lành đăng ký làm tình nguyện viên xung phong lên tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (214 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 10 (45 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 12 (40 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định...

Bên cạnh đó, các tòa giám mục cũng quan tâm, kêu gọi các linh mục, tu sĩ và tín đồ phát huy tinh thần chia sẻ và chung tay tham gia các hoạt động thiện nguyện trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có gần 300 linh mục, tu sĩ tham gia hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến nơi điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Những việc làm cụ thể, những cử chỉ trách nhiệm của tín đồ các tôn giáo đã trực tiếp chung tay góp sức với ngành Y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân.

Phát huy truyền thống tốt đẹp, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống "tốt đời đẹp đạo" và tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19.

Thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch

Hưởng ứng Lời Kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Lời Kêu gọi của Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam, các tôn giáo đã tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ Quỹ Vaccine phòng Covid-19 và góp thêm nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch; phát huy tốt vai trò các cơ sở khám, chữa bệnh của tổ chức tôn giáo trực thuộc, các phòng thuốc Nam, Tuệ Tĩnh đường... trong việc phối hợp với chính quyền, Mặt trận và cơ sở y tế ở địa phương tham gia các công tác phòng, chống dịch.

Điển hình, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN đã vận động và mua hàng chục máy thở đa năng với tổng trị giá 6,7 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống dịch; có văn bản gửi chính quyền đề nghị sử dụng một số cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly, như: Trường Trung cấp Pali-Khmer (Trà Vinh), chùa Hội Khánh (Bình Dương), chùa Ích Minh (Bắc Giang)...

Tại TP Hồ Chí Minh đã có gần 700 tăng ni, Phật tử tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ lực lượng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến.

Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 2/6/2021 đã có “Thư Kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng, chống đại dịch”, ngày 9/7/2021 tiếp tục ra văn thư kêu gọi đồng bào Công giáo Việt Nam hướng về tâm dịch TP Hồ Chí Minh và đã tặng 3 tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19.

Bên cạnh đó, nhiều giáo phận cũng đã tổ chức các hoạt động vận động, quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tòa Giám mục Giáo phận Vinh ủng hộ 30 tỷ đồng và 60 tấn lương thực, thực phẩm, rau, quả cho TP Hồ Chí Minh; Tòa Giám mục Phan Thiết hỗ trợ 10.000 lít nước mắm và 15 tấn quả thanh long cho đồng bào ở vùng dịch. Ủy ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam tổ chức Chương trình “Trao nhau yêu thương” hỗ trợ 2.000 phiếu mua nhu yếu phẩm (mỗi phiếu trị giá 100.000 đồng) cho người nghèo tại TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

leftcenterrightdel
Chuẩn bị những suất cơm trao tặng cho người dân gặp khó khăn. Ảnh: Nguyễn Cảnh 

Ngoài ra, các tôn giáo khác, bằng nhiều cách khác nhau đều tích cực tham gia công tác phòng chống dịch. Hội Thánh Tin lành Việt Nam miền Nam đã ủng hộ Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh 1,1 tỷ đồng để đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19, tặng 100 máy thở, 300 suất quà bằng tiền mặt trị giá 150 triệu đồng, cử 9 tình nguyện viên đi hỗ trợ các bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh. Số tiền mà các hội thánh Cao Đài đã ủng hộ công tác phòng, chống dịch đến hết năm 2020 khoảng 80 tỷ đồng...

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ bằng tiền và trang thiết bị y tế, hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ đồng để cùng cả xã hội chung tay phòng chống dịch. Điển hình như GHPGVN là 382,5 tỷ đồng; Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc 2 tỷ đồng; Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam 7,6 tỷ đồng; Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam 1 tỷ đồng; Hội truyền giáo Cơ đốc 1 tỷ đồng; Hội thánh Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam 5 tỷ đồng; Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam 4 tỷ đồng; Hội thánh Phúc âm Ngũ Tuần Việt Nam 1,85 tỷ đồng; Hội thánh Tin lành Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam 1 tỷ đồng; Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo 22 tỷ đồng; Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Kitô 3,8 tỷ đồng; Hội thánh Lời sự sống Việt Nam 3 tỷ đồng; Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo 49,15 tỷ đồng… Đây là tình cảm rất đáng trân quý của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Đóng góp to lớn trong cuộc chiến chống dịch

Sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong phòng chống dịch Covid-19 thể hiện tinh thần "tôn giáo đồng hành cùng dân tộc", sự đồng thuận của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo đối với chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Điều này cũng thể hiện sinh động chủ trương, chính sách đúng đắn về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm xã hội của các tổ chức tôn giáo; đồng thời bác bỏ những luận điệu sai trái về chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta về vai trò của tôn giáo trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có thư gửi các chức sắc, chức việc các tôn giáo và đồng bào có đạo.

Trong thư, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, đất nước ta đã trải qua những thời khắc khó khăn của đại dịch Covid-19. Đến nay, đợt dịch lần thứ tư cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, dẫu phía trước còn nhiều gian nan và thách thức.

Chính trong thời khắc khó khăn ấy, lòng yêu nước, sự đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, tinh thần sống tốt đời đẹp đạo là sức mạnh Việt Nam. Các chức sắc tôn giáo đã vận động, đoàn kết đồng bào có đạo chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch, nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước.

Nhiều chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo đã không quản ngại vất vả, hiểm nguy, sẵn sàng tham gia tuyến đầu chống dịch, làm công tác thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng và đã có những người ra đi mãi mãi. Những việc làm ý nghĩa đó, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "tôn giáo nào cũng từ bi nhân đạo mà ra".

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện các quy định trong Hiến pháp, pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Nhấn mạnh, chúng ta đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thủ tướng kêu gọi chức sắc, chức việc các tôn giáo và đồng bào có đạo tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng với chính quyền và nhân dân cả nước trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

Thanh Thanh