Năm 2020 được coi là năm bản lề để BHXH tự nguyện tăng tốc, với mục tiêu tăng thêm ít nhất 300 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện trong năm nay, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện lên 800.000 người.

Tuy nhiên, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bị ảnh hưởng.

Những tháng đầu năm 2020: Số người tham gia giảm

Theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – LĐ-TB&XH), tính đến hết năm 2019, cả nước có 15,8 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó BHXH tự nguyện là 574.000 người, chiếm 1,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, hoàn thành sớm hơn một năm so với chỉ tiêu đặt ra đối với phát triển BHXH tự nguyện tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Tuy nhiên, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước là 557.000 người, chỉ đạt 46,5% kế hoạch giao. Con số này giảm 11.000 người so với tháng 3 và giảm 16.000 người so với năm 2019.

Nguyên nhân do tác động bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thực hiện giãn cách xã hội… dẫn đến nhiều người lao động phải tạm thời nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều này tác động trực tiếp đến số lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi, người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, trong thời gian dịch bệnh không có việc làm nên họ cũng dừng đóng BHXH tự nguyện.

Từ đó dẫn tới những thách thức không nhỏ đến việc bảo đảm các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH trong năm 2020.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho hay, việc phát triển BHXH tự nguyện năm 2019 rất tốt, nhưng từ đầu 2020 đến nay, do dịch bệnh cho nên phát triển đối tượng mới khó khăn, kể cả đối tượng đang tham gia cũng phải dừng.

Cũng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội nên công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH tự nguyện không được triển khai đúng tiến độ. Cơ quan BHXH không phối hợp được với bưu điện tổ chức các hội nghị tuyên truyền đến người dân.

Tăng cơ hội và quyền lựa chọn của người dân khi tham gia

Cho ý kiến về giải pháp phát triển BHXH tự nguyện trong bối cảnh gặp phải thách thức của dịch Covid-19, ông Trần Hải Nam cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về ngắn hạn và lâu dài.

leftcenterrightdel
 Theo các chuyên gia, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ lợi ích của chính sách BHXH. Ảnh: CTV

Về ngắn hạn, cần tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của chính sách an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước đang triển khai thực hiện, bảo đảm ổn định thu nhập lâu dài cho người dân khi về già, hết độ tuổi lao động.

Trong tháng 5 vừa qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện” đồng bộ từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi toàn quốc theo 2 hình thức trực tuyến và lưu động.

Tổng hợp số liệu báo cáo nhanh của 63 tỉnh, TP, chỉ sau 1 ngày lễ ra quân đã trực tiếp vận động được 24.704 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, có 17 tỉnh phát triển được trên 500 người tham gia.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, với đối tượng lao động khu vực phi chính thức, các địa phương trong khả năng nguồn lực của mình có thể có thêm gói chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn cùng gói hỗ trợ chung của Chính phủ, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và có điều kiện để duy trì và tham gia BHXH tự nguyện.

Về giải pháp lâu dài thì cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về BHXH để hướng tới việc linh hoạt, đa dạng trong các chế độ thụ hưởng chính sách, tăng cơ hội cũng như quyền lựa chọn của người dân khi tham gia để phù hợp với nhu cầu mong muốn của từng đối tượng khi tham gia BHXH.

Vị Phó Vụ trưởng vụ BHXH nhấn mạnh, chính sách khi thực hiện sẽ bảo đảm quyền, nguyện vọng của người dân và mong muốn khi tham gia thụ hưởng từ chính sách.

Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức chiếm khoảng 1%. Tỷ lệ tương ứng đến năm 2025, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức chiếm khoảng 2,5%. Đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia đạt khoảng 5%.

Trần Kiên