Quyền lợi của người dân được bảo đảm

Theo BHXH Việt Nam, 7 tháng đầu năm, toàn ngành đã kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp.

Tính đến hết ngày 31/7, toàn ngành đã giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần; 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 580.634 người hưởng chế độ BH thất nghiệp.

Thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 92,490 triệu lượt người khám khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú…

Đáng chú ý, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, ngành BHXH đã có những giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp giúp số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục gia tăng.

Hiện toàn quốc có 737 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 163 nghìn người so với năm 2019.

BHXH Việt Nam cũng kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương có nguy cơ cao thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 8, 9/2020 vào cùng một kỳ chi trả.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác thu, phát triển đối tượng bị ảnh hưởng.

Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Thu cho hay, đến hết tháng 7, số người tham gia BHXH trên cả nước là 15,27 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, thấp hơn 2,5% so với chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 01/2020/NQ-CP của Chính phủ (33,5%).

Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT và BH thất nghiệp đều giảm so với năm 2019. Có 27 tỉnh, TP vẫn chưa đạt được các chỉ tiêu giao…

Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn phổ biến, tỷ lệ còn cao. Đến nay, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu, tỷ lệ nợ/số phải thu tăng 0,3% so với tỷ lệ nợ/số phải thu cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT vẫn xảy ra trong tình hình dịch bệnh. Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế đề nghị, các địa phương phân tích kỹ tình trạng này của các cơ sở khám chữa bệnh để điều chỉnh dự toán nếu cần thiết.

Trong khi đó, theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ có rất nhiều công ty giải thể, các doanh nghiệp giảm nhân lực khiến công tác thu và phát triển đối tượng, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gặp nhiều khó khăn.

Phục vụ tốt để giữ chân người dân với chính sách

Để công tác phát triển đối tượng đạt hiệu quả trong những tháng cuối năm, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị, các địa phương tập trung cho phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

leftcenterrightdel
 Ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phục vụ người dân tốt hơn. Ảnh Quang Dũng

Theo đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng tuần, từng địa bàn. Đặc biệt, cần làm tốt hơn nữa khâu chăm sóc khách hàng, tập trung cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân tốt hơn.

“Phục vụ người dân có tốt thì mới giữ chân được người dân với chính sách. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm đối với mỗi cán bộ viên chức ngành BHXH”, ông Liệu nêu rõ.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn thì yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện công tác giám định BHYT. Đối với các địa phương có chi phí tăng cao do các nguyên nhân khách quan cần cân nhắc báo cáo để bổ sung nguồn dự toán phân bổ từ đầu năm.

Các địa phương cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các giải pháp linh động để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, do tác động từ dịch Covid-19 nên việc hoàn thành nhiệm vụ trong 5 tháng cuối năm sẽ hết sức nặng nề.

Theo ông Mạnh, các địa phương cần chủ động đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt theo từng thời kỳ. Từng cán bộ, viên chức phải thể hiện bản lĩnh và ý chí để vượt qua mọi khó khăn, đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển của ngành.

"Đặc biệt cần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp", Tổng Giám đốc nhấn mạnh và yêu cầu, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Với công tác phát triển đối tượng, Tổng Giám đốc BHXH đề nghị, các địa phương tập trung rà soát, chuẩn hóa số liệu nhóm ưu tiên chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Còn nhóm tham gia BHXH bắt buộc thì tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế để xác định những doanh nghiệp, người lao động đang hoạt động như chưa tham gia BHXH.

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền hiệu quả theo chiều sâu, bền vững; triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam còn đề nghị, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...

Trần Kiên