Chiều 18/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID -19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID -19.

Tại đây, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương nói, có thể coi COVID -19 là đại dịch nguy hiểm nhất của thế kỷ 21.

Theo ông, COVID -19 đã gây ra những ảnh hưởng ghê gớm cho mọi hoạt động của xã hội Việt Nam. Những tổn thất vô cùng to lớn mà việc khắc phục không phải một sớm một chiều.

“Qua dịch COVID -19, chúng ta đã thấy được những giá trị cốt lõi của con người, đó chính là sự đùm bọc, che chở nhau trong hoạn nạn và cả những tấm gương hy sinh vì dân, khiến không ai trong chúng ta không trân trọng và cảm phục”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Trong đợt dịch COVID -19 lần thứ 4, hơn 20.000 cán bộ, viên chức, học viên và sinh viên tình nguyện đã được Bộ Y tế điều động hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam. Tại nhiều bệnh viện, các y bác sĩ đăng ký lên đường còn vượt quá cả số lượng dự kiến ban đầu.

Theo sự phân công của Bộ Y tế, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu được cử tham gia Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID -19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương, nơi có rất nhiều khu công nghiệp với tỷ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số.

Khi dịch bùng phát, số lượng ca mắc trong cộng đồng tại Bình Dương tăng nhanh, những ngày đầu trung bình 300-400 ca bệnh mới, sau đó có lúc lên tới 5.000-6.000 ca mỗi ngày.

Số ca chuyển nặng cũng ngày càng tăng, trong khi chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị, tầng 3 chỉ có 30 giường thở máy. Số bệnh nhân chưa tiêm vaccine tăng cao, đặc biệt là nhóm phụ nữ có thai. Do đó, việc kiểm soát dịch bệnh và điều trị bệnh nhân mắc COVID -19 gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế phòng, chống dịch COVID -19, bác sỹ Hiếu đã đưa ra nhiều đề xuất đáng chú ý.

Ông đề nghị xoá bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường xã. Người nhiễm COVID-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp.

Nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) có thể cách ly cả thôn hay xí nghiệp ấy. Đưa y tế vào bên trong để chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị.

“Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả các địa phương tỷ lệ tiêm chủng cao như TP HCM, Bình Dương, Hà Nội...”, ông Hiếu nhận định.

Bác sĩ Hiếu cũng đề xuất tách đôi bệnh viện với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm SARS-CoV-2; xác định bằng test nhanh sàng lọc.

Người nghi nhiễm cần khẳng định bằng PCR ở vùng đệm, nếu chắc chắn âm tính sẽ đưa vào khu điều trị thông thường. Xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu đại diện cần làm thường xuyên cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà của họ nhằm tránh bỏ sót các ổ dịch trong bệnh viện.

Vẫn theo đề xuất của bác sỹ Hiếu, khu điều trị COVID -19 nên chia làm 3: Hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh mức độ vừa và khu hậu COVID -19. Ngay khi các ca đã có xét nghiệm âm tính cần chuyển ngay sang tầng hậu COVID -19 để chăm sóc điều trị như bệnh nhân thông thường. Khu điều trị cần đảm bảo có đầy đủ oxy hóa lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư và nhân lực.

“Đây là việc cần làm lâu dài không chỉ dưới hình thức tạm bợ, dã chiến. Bộ máy nhân sự cần được chính thức bổ nhiệm, chế độ lương thưởng rõ ràng. Thuốc và vật tư, trang thiết bị, chi phí điều trị cũng vậy, cần danh sách cụ thể, mua sắm, cơ chế chi trả rõ ràng tường minh để nhân viên y tế yên tâm làm việc”, bác sĩ Hiếu nhấn mạnh.

Đáng chú ý, bác sĩ Hiếu đề nghị, cần đưa y tế tư nhân vào cuộc. Cho phép bệnh viện tư thu phí dịch vụ như TPHCM đã triển khai. Quản lý người nhiễm theo các bác sĩ phòng mạch. Thành lập các chuyên khoa như COVID sản khoa, nhi khoa, lão khoa... để y tế tư nhân phát triển tạo thương hiệu của chính mình.

Rà soát việc tiêm vaccine cũng là một trong những vấn đề được bác sĩ Hiếu đề xuất. Theo ông, chúng ta cần sẵn sàng có kế hoạch tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi khi được hướng dẫn. Tiêm cho các công nhân, người lao động phổ thông nếu đến sống, làm việc tại Bình Dương.

Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu cũng đề cập đến tinh thần “không sợ COVID -19” và cho rằng đây là cách sống mới mà “chúng ta cần chấp nhận”.

“Nếu tỷ lệ tử vong trong số người đã tiêm phòng như cúm mùa, vậy sao ta phải sợ. Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi”, ông nói.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ thêm, những ngày vừa qua, “bài học lớn nhất là phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở”. Theo ông, thời gian tới, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập, nâng cao tay nghề.

Bác sỹ Bùi Nghĩa Thịnh, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện TP Thủ Đức, TP HCM nói, trong đợt dịch này, chúng tôi rút ra một số điểm sau.

Đầy tiên, là vai trò y tế cơ sở, tuyến cơ sở đóng vai trò rất rõ trong thời điểm này. Theo bác sỹ Thịnh, ngăn chặn tình trạng bệnh nhân nặng, phải thở máy thì phải làm tốt, điều trị sớm từ tuyến cơ sở. Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong phòng bệnh và chữa bệnh.

Tiếp đó, việc đưa trạm y tế lưu động vào các khu vực dịch đậm đặc mang lại hiệu quả rất cao, đây là kinh nghiệm lớn cần phải phổ biến để áp dụng cho tất cả các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có độ phủ vaccine chưa cao.

“Chúng tôi chứng kiến sau khi tiêm vaccine xong, sau 2 tuần các bệnh viện điều trị hầu như trống giường, cho thấy hiệu quả tốt của vaccine”, bác sỹ Thịnh cho hay. 

Hương Giang