Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có Dự án 2 là Chương trình 135); cụ thể hóa Chương trình 135 đối với địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 50, ngày 7/12/2016 về việc “bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 196, ngày 17/1/2017 phê duyệt Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (gọi tắt là Đề án 196).

Đề án 196 xác định, nhiệm vụ đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp trên; thực hiện phân công cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện đề án.

Đề án cũng thống nhất quan điểm, cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, cấp xã trực tiếp thực hiện, thôn bản đoàn kết, đồng lòng, người dân tích cực sản xuất và chủ động thoát nghèo. Lấy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là trung tâm; hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu là cần thiết, trong đó ngân sách Nhà nước là chủ yếu.

Các nội dung đầu tư, hỗ trợ phải lấy ý kiến và được sự thống nhất của người dân theo đúng quy định. Đầu tư phát triển đi đôi với thực hiện chính sách an sinh xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh.

Mục tiêu chung của đề án là đến hết năm 2020, đưa tất cả thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Nâng cao đời sống mọi mặt của người dân vùng dân tộc miền núi, đồng bào DTTS trong tỉnh. Góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống và trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa đồng bằng đô thị và miền núi…

Với cách làm chủ động, đổi mới, sáng tạo và đột phá, sau 5 năm triển khai thực hiện (2016 - 2021) Chương trình 135, Đề án 196 đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi diện mạo vùng DTTS, miền núi của tỉnh.

Nổi bật là, đề án đã huy động được sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; phát huy được vai trò chủ thể, sự tham gia tích cực của cộng đồng, người dân; huy động được tổng thể các nguồn lực xã hội.

Tạo được các phong trào thi đua từ cơ sở; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng, người dân các địa phương đều thể hiện quyết tâm cao, phấn đấu đưa xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK sớm hơn so với lộ trình được phê duyệt.

Với cơ chế đặc thù riêng, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực đảm bảo. Trong 5 năm, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình 135 là 1.776,257 tỷ đồng; trong đó, riêng ngân sách tỉnh là 1.506,288 tỷ đồng; mức bố trí vốn bình quân đối với 1 xã ĐBKK/năm cao hơn khoảng 7 lần so với định mức Trung ương bố trí đối với xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020.

Nhờ vậy, diện mạo nông thôn, miền núi, biên giới, địa bàn ĐBKK đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt. Việc hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng đã góp phần nâng cao đời sống, tăng điều kiện và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng ĐBKK.

Nhiều mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai có hiệu quả, được nhân rộng đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm động lực, kiến thức, kinh nghiệm từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã có chuyển biến tích cực về ý thức vươn lên thoát nghèo, chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khi đủ điều kiện (475 hộ).

Cùng với đó, Chương trình 135, Đề án 196 cũng đã góp phần tích cực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở vùng ĐBKK, miền núi, biên giới của tỉnh…

Nhìn lại 5 năm triển khai thực hiện, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đánh giá, các mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của Chương trình trình 135, Đề án 196 đã được hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Đến hết năm 2019, 100% các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh (23 xã, 56 thôn) đã được công nhận, đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK (hoàn thành trước 1 năm so với lộ trình Đề án 196).

Đặc biệt, kết quả thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội ở vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK; là cơ sở, tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình Tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trọng Tài