Theo bản Thông báo số 377/TB-UBND ngày 12/5/2017 của UBND quận 5 thì tổng số tiền thu, chi từ hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh tại Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông trong giai đoạn 2012 - 2016 là 217.361.303.827 đồng, được sử dụng để tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông đến năm 2021.

Trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, các tiểu thương chợ An Đông cho rằng: “Tổng số tiền 237 tỷ đồng (con số này theo xác nhận của UBND quận 5 là hơn 217 tỷ đồng) một lần nữa là mồ hôi, nước mắt của tiểu thương nhưng cho đến nay sau khi biến tướng thành kinh phí chỉnh trang sửa chữa, việc quản lý, sử dụng số tiền này vẫn là một ẩn số… Đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật và công khai, minh bạch cũng chỉ là những ngôn từ gió bay nhất thời để xoa dịu sự phẫn nộ đang lên lúc đó…”.

Về số tiền này, trong Thông cáo báo chí phát đi ngày 26/9/2019, UBND quận 5 (TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “Như vậy, theo kết luận tại Văn bản số 2507/UBND-KT ngày 28/4/2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố, thì số tiền 217.361.303.827 đồng là tiền ngân sách địa phương và được sử dụng cho công tác tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để phát triển chợ An Đông thành Trung tâm phân phối hàng đầu khu vực phía Nam”.

Thông cáo báo chí của UBND quận 5 về chợ An Đông. Ảnh: XT-NT

Tại cuộc họp với các tiểu thương vào ngày 12/6/2019, ông Dương Vũ Lâm, Phó Ban Quản lý Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông cũng cho rằng: “Hiện 217 tỷ đồng đang ở trong ngân sách Nhà nước, thành phố cũng đã có thông báo kết luận dùng toàn bộ số tiền này phục vụ cho công tác nâng cấp, sửa chữa chợ An Đông, Ban Quản lý sẽ ghi nhận đề xuất công khai việc sử dụng số tiền này hiện nay như thế nào cho thương nhân biết. Sau khi sửa xong nếu có nhu cầu sửa chữa thêm hạng mục nào từ số tiền này cũng sẽ được thông qua ý kiến thương nhân, không sử dụng số tiền này cho mục đích khác”.

Điều khiến nhiều tiểu thương lo lắng là, khi ký mới bản hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh tại Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông thì quyền lợi của họ đối với số tiền hơn 217 tỷ đồng đã đóng góp sẽ không còn. 

Trong khi đó, theo Thông báo số 377/TB-UBND ngày 12/5/2017 của UBND quận 5 thì số tiền này được sử dụng vào việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông đến năm 2021.

Tiểu thương chợ An Đông yêu cầu công khai, minh bạch về số tiền hơn 217 tỷ đồng và mong muốn số tiền này nhanh chóng được đầu tư vào việc nâng cấp, sửa chữa chợ một cách kịp thời, đúng mục đích và có hiệu quả.

Văn bản của Ban Tiếp công dân Trung ương gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị tiếp xúc, đối thoại với tiểu thương chợ An Đông. Ảnh: XT-NT

Trên thực tế, Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông qua gần 30 năm sử dụng đã bộc lộ sự xuống cấp, trì trệ. 

Ngày 26/4/2017, trần nhà vệ sinh ở tầng trệt của khu chợ này đổ sập khiến 2 nhân viên bán hàng bị thương, mặc dù khu vực nhà vệ sinh này vừa được nâng cấp sửa chữa vào năm 2014, thuộc công trình “nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực” với mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng.

Liên quan đến khiếu nại của tiểu thương chợ An Đông, ngày 2/10/2019, Ban Tiếp công dân Trung ương có Văn bản số 3052/BTCDTW-TD1 gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc chuyển đơn của tiểu thương chợ An Đông để chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, tổ chức đối thoại và trả lời công dân. Đồng thời, đề nghị thông báo kết quả đến Ban Tiếp công dân Trung ương.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!


Xuân Thành - Cảnh Nhật - Phạm Tường