SGK dùng 1 lần, lãng phí nguồn lực vô cùng lớn

Lo lắng quy định “thực hiện xã hội hóa, biên soạn SGK”, theo ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), năm vừa rồi đây là vấn đề “nóng” do in không đủ, không biết mua ở đâu, nhiều sách không thống nhất.

Ông Trí nhấn mạnh, SGK nên có 1 bộ chuẩn dùng cho cả nước, do Hội đồng thẩm định SGK đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định, dùng được cho nhiều năm. Còn sách tham khảo cũng chỉ nên có quy định một lượng nào đó thôi.

“Xã hội hóa in ấn SGK thì đúng, vừa qua độc quyền in ấn nên mới có chuyện. Nhưng không được xã hội hóa biên soạn SGK, xã hội hóa biên soạn là hỏng hẳn”, ĐB Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Được (đoàn Hà Nội) phát biểu, “đã nói là luật thì phải thống nhất, SGK phải thống nhất. Xây dựng trường, lớp, bàn ghế, dụng cụ học tập… có thể xã hội hóa, để gia đình, phụ huynh đóng góp, chứ SGK mà xã hội hóa thì tôi không đồng tình”.

Theo ông Được, xã hội hoá biên soạn có thể phát huy được nguồn lực nhưng tính định hướng, mục tiêu khó đảm bảo được. “Đồng ý xã hội hoá nhưng để xây dựng trường lớp, còn sách dứt khoát phải thống nhất, phải có bộ chuẩn”, ông Được nhấn mạnh và lưu ý thêm, ông cha ta người này học xong thì người sau tiếp tục hết cấp này sang cấp khác, ta thì thay đổi rất nhiều.

ĐB đoàn Đồng Tháp Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhắc đến việc sử dụng SGK 1 lần hay nhiều lần? Theo ông “SGK phải dùng nhiều năm chứ không thể dùng mỗi năm rồi bỏ thì lãng phí nguồn lực vô cùng lớn”.

“Ngày xưa, chúng tôi học có vở bài tập riêng. Còn bây giờ học sinh học làm bài tập luôn trong sách, rồi chấm điểm luôn nên SGK chỉ sử dụng được 1 lần, như vậy rất bất cập. SGK nên sử dụng nhiều lần để đỡ tốn tiền của gia đình, xã hội, không thể nào theo kiểu vì cạnh tranh, vì lợi ích của 1 nhóm nào đó mà hàng năm phải biên soạn, in SGK để bán cho học sinh”, ông Hòa nêu rõ.

“Tùy tiện” chọn SGK?

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng khuyến cáo, cẩn trọng với việc biên soạn SKG. Qua chuyện những chương trình đưa ra thực nghiệm mà vừa qua, ĐB nhận thấy công nghệ giáo dục mỗi nơi dạy một kiểu, trường nào muốn dạy thì dạy, trường nào không muốn dạy là không dạy.

“Tôi nghĩ, cùng trong một hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí trong một địa phương mà có trường dạy, trường không dạy. Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích nhiều kiểu, nhiều chiều nhưng tôi thấy chưa hài lòng”, ông Hòa nói.

Ông Hòa còn cảnh báo, tình trạng “tùy tiện” trong chọn lựa SGK và từ “tùy tiện” chọn lựa sách dẫn đến có nơi thừa SGK môn này, có nơi thiếu SGK môn khác.

 

ĐBQH Phạm Văn Hòa. Ảnh: QH

“Như tỉnh Đồng Tháp, vừa rồi thiếu sách toán và chữ tiếng việt lớp 1, lớp 10. Hỏi hết, lên tận Sài Gòn cũng không có nữa, qua Hậu Giang, qua Cần Thơ, lên An Giang, Vĩnh Long tìm không có vì đến lúc khai giảng, giáo viên nhà trường mới thông báo cho học sinh, phụ huynh biết là học theo chương trình này, SGK này, lúc đó ra thị trường mua không có nữa”, ông Hòa nói và đề nghị, phải có quy định “hết sức chặt chẽ” để tránh bất cập này.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cũng bày tỏ lo ngại về biên soạn SGK. Theo ông Sinh, nếu thực hiện theo Nghị quyết 88 của QH thì quy trình lựa chọn SGK phải là quy trình chuẩn.

“Trong dự thảo luật, vai trò quản lý Nhà nước chưa thể hiện. Việc ổn định trong công tác giảng dạy rất khó đảm bảo vì không được quy định rõ trong luật. Nếu có chuyện vụ lợi thì không kiểm soát được”, ông Sinh phát biểu.

ĐB Sinh nêu thực tế, phương pháp của GS Đại tỉnh này thì áp dụng, tỉnh kia bỏ, rất phức tạp. “Qua vụ sách vuông vuông, tròn tròn này thì thấy chỉ chuyện sử dụng SGK đã tranh cãi phức tạp như vậy rồi. Ngành Giáo dục cần chú ý quan tâm tới ý kiến của phụ huynh, không phải là thích dạy con nhà người ta cái gì cũng được, nếu không sẽ xảy ra những bất ổn về xã hội như thế”, ĐB đoàn Hòa Bình khái quát.

Nên xét tuyển cấp bằng THPT

Còn vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) “2 trong 1”, theo ông Hòa, cần phải tính toán phù hợp để không bị phản ứng, tiêu cực, được đông đảo bà con cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ.

“Tôi thấy không có năm nào thi như năm nay, thi tỷ lệ đạt chung của cả nước gần 99%. Đã nói đến thi thì tất nhiên có người trúng, người trượt. Nhưng trúng hoàn toàn gần như hết số lượng học sinh thi chất lượng đầu vào của đại học rất khó khăn. Không nói đến tiêu cực ở một số tỉnh đã xảy ra mà chẳng qua nơi đó phát hiện thôi, còn những nói khác thì chưa biết ra làm sao. Cách thi như vậy thì không ổn”, ông Hòa nhấn mạnh.

ĐB đoàn Đồng Tháp đề nghị, không nên tổ chức thi để cấp bằng THPT nữa mà nên xét tuyển từ lớp 10, 11, 12 để cấp bằng. Như vậy, đỡ tốn tiền của, thời gian. Còn việc thi tuyển vào đại học thì thực hiện như trước đây.

“Các em thấy mình học giỏi, học khá đảm bảo thi vào đại học được thì thi. Còn các em thấy không thi được thì phân luồng để cho các em, các cháu học nghề… Như vậy, thì không lãng phí nguồn lực và các trường cũng dễ truyển sinh đại học. Đầu ra của đại học cũng đạt chất lượng cao hơn”, ông Hòa nêu ý kiến.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) thì cảnh báo, đầu vào với mức điểm tuyển sinh thấp các trường sư phạm trong những năm qua là điều khó có thể tạo ra “đầu ra” chất lượng cao. Do đó, Luật Giáo dục  phải giải quyết được vấn đề là đào tạo giáo viên, thu hút đầu vào chất lượng cao, tố chất tốt cho trường sư phạm.

"Đạo đức mà xuống cấp thì giáo dục thất bại”

Ông Trương Trọng Nghĩa (đoàn Hồ Chí Minh) thì lưu ý, phải tăng cường dạy đạo đức cho học sinh. "Đạo đức mà xuống cấp thì giáo dục thất bại. Dù giáo dục tiên tiến đến đâu mà đạo đức có vấn đề thì giáo dục không ổn", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vì thế, theo ông Nghĩa, Luật Giáo dục dứt khoát phải giải quyết được câu chuyện đạo đức. Ngoài ra, phải làm sao giáo dục học sinh thích làm người tử tế, thay vì thích làm người giàu. Luật Giáo dục cần đưa điều này vào, đề cao lòng yêu thương con người, yêu mến sự tử tế. Cả trong gia đình và nhà trường đều nên giáo dục 2 điều này.

“Rõ ràng, quản lý kiến trúc không gian bị buông lỏng”

Cùng ngày cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn TP Hồ Chí Minh) lo ngại quá trình phát triển đô thị đã khiến nhiều địa phương tự làm phai mờ, biến dạng, méo mó kiến trúc. Ông chia sẻ, bản thân ông đã từng phát biểu ý kiến rất gay gắt về việc khách sạn Caravelle (quận 1, TP Hồ Chí Minh) xây quá cao khiến Nhà hát lớn từ chỗ có kiến trúc rộng rãi nay “nhìn như cái miếu”.

“Rõ ràng, quản lý kiến trúc không gian bị buông lỏng. Tất cả kiến trúc không gian bị phá khi toà nhà cao tầng chồm hẳn lên kiến trúc đó. Như vậy, công cụ quản lý của ta vừa qua chưa được”, ông Khuê nêu.

Dự án luật chỉ đề cập đến việc bảo tồn những trường hợp có hồ sơ được xếp hạng di sản di tích. Trong khi đó, theo vị ĐB, giá trị kiến trúc là cái phải được đưa ra xem xét chứ không thể chỉ di tích được xếp hạng mới tính đến.

“Những công trình giá trị kiến trúc chưa đặt vào trong này thì luật này có đề cập không? Không đặt các công trình đó vào luật mà công cụ quản lý không chặt thì hồn đô thị sẽ mất, mà đó mới là cái vĩnh cửu với thời gian, với nhiều thế hệ”, ông Khuê tâm tư.

 

Hương Giang