Giám đốc công ty luật Tam Anh, luật sư Vũ Ngọc Chi chia sẻ: Trước khi ban hành điều luật cấm phụ nữ đi giày cao gót lái xe nên có thống kê những con số cụ thể về các vụ tai nạn mà nguyên nhân hoặc có liên quan đến nguyên nhân người lái xe đi giày cao gót, để mọi người thấy rõ hậu quả và tính cấp thiết của việc đưa ra quy định này.

Đành rằng, người điều khiển phương tiện không mong muốn, nhưng hậu quả gây ra không những là tài sản mà còn cả tính mạng, sức khoẻ của con người, ảnh hưởng cá nhân, gia đình và cả xã hội.

Do vậy, có thể nhận thấy tính cấp thiết và quan trọng của việc ban hành các quy định để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Việc cấm phụ nữ đi giày cao gót lái xe không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, thậm chí người khác cũng không thể nhìn thấy phụ nữ khi lái xe có đi giày cao gót hay không.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc, cơ quan chức năng khó kiểm soát được việc phụ nữ lái xe có đi giày cao gót hay không.

“Không lẽ dừng xe để kiểm tra xem phụ nữ lái xe có đi giày cao gót hay không để xử phạt. Như vậy thì cũng hơi kỳ”, luật sư chia sẻ.

Luật sư Vũ Ngọc Chi đưa ra giải pháp: Nếu không cứng nhắc đưa ra quy định thì cơ quan quản lý cũng có thể tính toán, đưa ra khuyến cáo phù hợp, để người điều khiển giao thông nhận thức rõ hậu quả, từ đó tự nguyện thực hiện.

Như vậy mới giảm thiểu được các vụ tai nạn không đáng có do giày cao gót hoặc có liên quan đến giày cao gót.

Đạp nhầm chân ga thì đi giày nào cũng gây tai nạn

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư Hà Nội đưa ra quan điểm: Việc phụ nữ lái xe ô tô đi giày cao gót gây tai nạn thảm khốc là sự việc đau lòng, vô cùng đáng tiếc.

Phụ nữ lái ô tô đi giày cao gót đúng là không an toàn bằng việc đi giày bệt. Bởi lẽ, đi giày đế bệt, đế thấp sẽ thoải mái hơn khi vận động và dễ dàng điều khiển ô tô theo ý của người lái.

Nhưng việc đạp nhầm chân phanh thành chân ga thì phụ thuộc vào kỹ thuật lái xe ô tô là chính, không phải do đi giày cao gót.

Bởi dù đi giày cao gót hay không thì khi đạp nhầm chân ga lúc muốn phanh đều có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Do vậy, chúng ta nên khuyến cáo phụ nữ khi lái xe, trước tiên phải tập lái thuần thục trên đường (kể cả người đã có bằng lái xe) rồi mới điều khiển ô tô tham gia giao thông.

Khi đã lái thuần thục, người lái xe sẽ tự tin lái ô tô theo ý muốn của mình, đúng quy định pháp luật.

(Theo VNN)