“Anh hùng trong chiến đấu, anh hùng trên bàn mổ”

Trong buổi trò chuyện, vị Anh hùng La Văn Cầu kể về kỷ niệm của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và lần ông nhớ nhất là buổi lễ tổng kết thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950.

“Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in lời Đại tướng nói: “Anh La Văn Cầu là lá cờ đầu trong phong trào thi đua giết giặc lập công”. Đời tôi, lần đầu tiên chiến đấu, sau khi hoàn thành nhiệm vụ được biểu dương như thế. Đấy là gia tài lịch sử mà Đại tướng đã trao cho tôi, không có lời khen nào hơn thế nữa”, ông La Văn Cầu xúc động nhớ lại.

Với vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, tuyên dương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến giờ vẫn còn nguyên giá trị, thôi thúc ông hướng về phía trước, vượt qua khó khăn. “Tình huống nào cũng phải vượt qua, khó khăn thì quyết tâm phải càng cao”, ông La Văn Cầu nói.

Nhớ về trận Đông Khê - trận then chốt mở màn Chiến dịch Biên giới 1950 do Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, ông Cầu nói, “tuyệt vời”, “không có Bác Hồ, bác Giáp chỉ huy, chắc thua rồi”.

“Bác Hồ, bác Giáp chỉ huy, chiến sỹ chúng tôi vững tâm lắm và cũng rất tự hào. Vì thế, tôi đã xả thân không nề hà khi chiến đấu để góp phần chiến công nho nhỏ vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Một cánh tay của tôi cũng vĩnh viễn ở lại cứ điểm Đông Khê lịch sử”, ông Cầu kể.

Cũng từ hình ảnh “người chỉ huy thương chiến sỹ, hiểu chiến đấu”, trong tâm niệm của ông Cầu quyết học tập tính chính xác, mạnh mẽ mọi lúc, mọi nơi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Bác Giáp tiếp cho tôi sức mạnh phi thường. Thời gian qua, tôi vật lộn với sức khoẻ, 3 năm liên tục lên bàn mổ, lúc thì cắt u dạ dày, khi thì mổ tim, lúc lại cắt ruột... đến nỗi bác sĩ phải “phát sốt” nói “bác Cầu không những là anh hùng trong chiến đấu mà còn là anh hùng trên bàn mổ”, ông La Văn Cầu cười và nói, “bác Giáp thọ đến 104 tuổi, tôi cũng cố gắng nối theo Bác, không biết có được thế không”.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm, tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang La Văn Cầu. Ảnh: Văn Điệp

 

Gặp Bác Hồ, sợ nói sai vì… đang học tiếng Kinh

Sau Chiến dịch Biên giới 1950, người chiến sĩ La Văn Cầu có vinh dự được gặp Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Khi đó là tháng 5/1951, ông cùng một đồng chí công vụ đi bộ từ Lạng Sơn lên ATK thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang để gặp Bác Hồ. Hai người đi bộ ròng rã suốt 2 ngày thì đến.

“Một buổi chiều đến ATK, tôi không bao giờ quên được hình ảnh của Bác Hồ khi ấy - một ông cụ mặc áo nâu ngồi trên chõng tre cạnh cây đa cổ thụ. Trước khi đi, chỉ huy trung đoàn giao nhiệm vụ cho tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ chúc sức khỏe Bác.

Nhưng được gặp Bác, tôi xúc động quá, chưa kịp nói gì thì Bác đã ân cần thăm hỏi: Cháu Cầu đến rồi phải không. Cháu từ Lạng Sơn đến đây với đoạn đường khá dài, cháu chiến đấu mất máu nhiều, bây giờ cháu mệt rồi. Giờ cháu đi nghỉ, tối ăn cơm cùng Bác.

Tối hôm đó, tôi được dùng bữa tối cùng Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Tôi nhớ, trước khi ăn Bác vui vẻ giới thiệu: Thực đơn hôm nay có thịt gà do Bác tự nuôi, rau Bác tự trồng, mắm muối thì nhờ các cô chú cấp dưỡng mua. Cháu Cầu ăn tự nhiên, không ăn hết khẩu phần là lãng phí đấy!

Sau đó Bác hỏi tôi: Cháu Cầu hôm nay ăn cơm với Bác và các đồng chí Trung ương có ngon không?

Dù chưa nói thạo tiếng Kinh, nhưng tôi nghĩ nhanh rồi trả lời: Thưa Bác, cháu ăn cơm ở đơn vị cũng ngon, nhưng hôm nay cháu vinh dự được ăn cơm cùng Bác và các đồng chí Trung ương, cháu thấy ngon hơn ạ!

Bác hướng sang đồng chí Trường Chinh và khen: “Cháu Cầu trông hiền thế kia mà trả lời “chính trị” đáo để!”.

Sau bữa cơm tối hôm đó, chiến sỹ La Văn Cầu báo cáo thành tích với Bác Hồ và các đồng chí Trung ương.

“Khi biết mẹ tôi chỉ có một con trai duy nhất nhưng vẫn động viên con đi chiến đấu, Người nói rất xúc động: “Nhiều bà mẹ có đông con, đã động viên các con lần lượt đi đánh giặc. Bà mẹ Lục Thị Quý, thân sinh của cháu Cầu, chỉ có một con trai duy nhất, cũng động viên con đi chiến đấu, không ngại gian khổ, hy sinh. Vậy thì cuộc trường kỳ kháng chiến của chúng ta nhất định thắng lợi!”.

Anh hùng La Văn Cầu nói, cảm xúc gặp Bác Hồ sung sướng không thể tả xiết, mà cũng sợ. “Tôi sợ mình nói sai vì lúc đó tiếng Kinh đang tập nói. Nhưng Bác Hồ tâm lý động viên, “có sai, có sửa”.

“Chân lý của tôi là làm theo đúng lời dạy của Bác Hồ, không được đạo đức giả”, ông La Văn Cầu chia sẻ. Ảnh: HG

 

Tích cực bảo vệ môi trường “không được số 1 thì cũng số 2”

Sau này, ông La Văn Cầu còn được nhiều lần gặp Bác Hồ. “Tôi còn nhớ lúc tôi chưa có vợ con thì Người gọi tôi là cháu, đến khi biết tôi lấy vợ và có con rồi thì gọi bằng “chú”.

Kể từ sau khi bị thương, ông Cầu chuyển sang làm công tác tuyên truyền ở Tổng cục Chính trị. Trong quãng thời gian đó, ông đi học và lập gia đình (năm 1958), sau đó trở lại quân khu Việt Bắc phụ trách công tác thanh niên, quần chúng.

Năm 1983, ông được chuyển về Hà Nội do điều kiện gia đình (con nhỏ) và trở lại công tác ở Tổng cục Chính trị, sau đó chuyển về Bảo tàng Quân đội làm công tác cán bộ, đến 1/8/1996 thì nghỉ hưu.

Vị Anh hùng, Đại tá quân đội trở lại cuộc sống đời thường, ông Cầu cũng không nề hà việc gì nếu có lợi cho cộng đồng, như chuyện quét rác bảo vệ môi trường.

“Tôi làm tự nhiên, sáng 1 lần, chiều 1 lần thành quán tính, mà quét rác mấy nhà luôn. Bây giờ nếu hỏi khu vực này ai là người tích cực nhất làm công tác bảo vệ môi trường thì có lẽ tôi không được số 1 thì cũng số 2, không ai hơn tôi đâu. Mặc dù họ có chân tay đủ, nhưng còn thua cụ già 89 tuổi”, ông La Văn Cầu cười.

Ông cho hay, cả cuộc đời ông đến giờ đã 89 tuổi lúc nào cũng vững vàng theo tư tưởng của Bác Hồ, tinh thần của Bác Hồ, không cho phép mình làm trái tư tưởng của Người.

“Đó là kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối cho tôi”, ông nói và nhấn mạnh, “chân lý của tôi là làm theo đúng lời dạy của Bác Hồ, không được đạo đức giả. Lúc nào cũng làm phúc cho đời, làm mãi, làm mãi, không bao giờ thừa, chỉ sợ thiếu thôi. Cái gì lợi cho cộng đồng thì tôi sẵn sàng làm, sẵn sàng xả thân, cái gì hại là không làm”.

Năm 2019, ông La Văn Cầu được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú”. “Vinh dự quá lớn, có đêm ngủ suy nghĩ vinh dự này đến với mình quá đột ngột, không hề nghĩ đến”, vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân chia sẻ và nói thêm, “sống có tâm, có đức thì không bao giờ thiệt cả, cộng đồng xã hội công bằng lắm”.

Ông La Văn Cầu (89 tuổi) là người dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng. Năm 1948, ông gia nhập Đại đội 671 và lập được nhiều thành tích trong chiến đấu.

Trong trận Đông Khê thuộc Chiến dịch Biên giới năm 1950, ông La Văn Cầu là chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu.

Khi bị địch bắn gãy nát một cánh tay, ông La Văn Cầu đã yêu cầu đồng đội chặt hộ cánh tay để khỏi vướng rồi lại tiếp tục ôm bộc phá xông lên, phá tan lô cốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch.

Sau khi bị thương, ông La Văn Cầu tập trung học văn hóa và tham gia ở nhiều vị trí công tác. Đến năm 1996, ông nghỉ hưu, cư trú và sinh hoạt tại khu dân cư số 7, phường Quang Trung, quận Đống Đa.

Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần I, ông vinh dự là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Ông còn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen khác.

Năm 2019, ông được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú”.


Hương Giang