Năm 2018, dân số Việt Nam đạt khoảng 95 triệu người. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7% giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay. Từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số.

Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đã và đang bước vào giai đoạn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững với mong muốn đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra. Chương trình nghị sự và những mục tiêu này tập trung vào việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân, đồng thời đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau.

“Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) đã xây dựng kế hoạch chiến lược mới nhằm hỗ trợ chương trình nghị sự 2030 và củng cố cam kết của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tới Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển đạt được 3 kết quả, gồm: Không có tử vong mẹ; không có nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình; không có bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái”, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện ưu tiên được nêu trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng các nước châu Á - Thái Bình Dương về dân số và phát triển. Việt Nam đã có những ứng phó hiệu quả đối với các vấn đề dân số mới nổi, bao gồm các chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng phù hợp để cải thiện và kiểm soát ung thư cổ tử cung, giảm các nhu cầu chưa được đáp ứng về các phương tiện tránh thai trong nhóm thanh niên chưa kết hôn, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục giới tính toàn diện cho thanh thiếu niên và cải thiện việc phòng ngừa và ứng phó với các hành vi có hại như bạo lực giới, mất cân bằng giới tính khi sinh, kết hôn trẻ em.

Mặc dù vậy. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, các mục tiêu phát triển bền vững sẽ không hoàn thành nếu không có các đáp ứng toàn diện đối với các quyền và công bằng của con người, sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, phát triển thanh niên, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, giáo dục, an ninh, cơ hội, việc làm, kinh tế tăng trưởng... Đó là cuộc sống hạnh phúc của tất cả mọi người.

Theo UNFPA, kể từ thời điểm năm 1994 tới nay, thế giới chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Nếu như tại thời điểm năm 1994, chỉ khoảng 15% phụ nữ đã kết hôn tại các nước kém phát triển nhất có sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Hiện nay, tỷ lệ này là 37%. 25 năm trước, tử vong của phụ nữ liên quan đến thai sản (tỷ số tử vong mẹ) tại các nước kém phát triển nhất là xấp xỉ 800/100.000 sơ sinh sống. Hiện nay, con số này đã giảm xuống một nửa. 25 năm trước, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại các quốc gia kém phát triển nhất là 6 con/phụ nữ. Hiện nay, một phụ nữ tại các quốc gia này chỉ có tối đa là 4 con.

Tuy vậy, theo UNFPA, trên thế giới hiện nay vẫn còn khoảng 214 triệu phụ nữ chưa được đáp ứng nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Mỗi ngày vẫn có hơn 800 phụ nữ tử vong liên quan đến thai sản do các nguyên nhân có thể phòng tránh được và hàng triệu phụ nữ không được tiếp cận cũng như sử dụng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hoặc các dịch vụ làm mẹ an toàn.

Bà Astrid Bant, cho biết, năm 2019 là năm kỷ niệm 25 năm Ngày tổ chức Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, cũng là năm Quỹ Dân số Liên hợp quốc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50. Những cột mốc quan trọng này sẽ mang đến một cơ hội to lớn để một lần nữa thể hiện cam kết mạnh mẽ nhằm đảm bảo rằng tất cả mọi người dân cho dù sinh sống ở bất kỳ nơi đâu cũng đều được hưởng những lợi ích của chương trình nghị sự mang tính thay đổi này.

Phương Anh