Gói thầu đầu tiên sẽ khởi công cuối tháng 7

Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội (QH) về hoạt động chất vấn, Bộ GTVT cho biết, ngay sau khi QH thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đến tháng 10, Bộ đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần.

Theo đó, 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn; Cam Lộ - La Sơn; Cầu Mỹ Thuận 2) có chiều dài hơn 120km với nguồn vốn nhà nước hơn 14.200 tỷ đồng.

8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) (gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây) có tổng chiều dài hơn 533 km với tổng mức đầu tư hơn 88.200 tỷ đồng (trong đó vốn BOT hơn 51.700 tỷ đồng, vốn nhà nước là hơn 36.500 tỷ đồng).

“Đối chiếu trình tự, thời gian thực hiện theo quy định của pháp luật đối với dự án quan trọng quốc gia và thời gian thực hiện một số dự án tương tự thì thời gian tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đã được rút ngắn khoảng 3-5 tháng”, Bộ GTVT nêu.

Cũng theo Bộ này, đến nay, tiến độ tổng thể dự án vẫn bảo đảm. Với 2 dự án đầu tư công, sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu trong tháng 5 - 6/2019 và dự kiến khởi công những gói thầu đầu tiên khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8/2019 và khởi công toàn bộ các gói thầu trong tháng 10/2019.

Riêng cầu Mỹ Thuận 2, do tính chất đặc thù nên thời gian thiết kế kéo dài hơn, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2019 và sẽ khởi công khoảng tháng 1/2020.

10 nhà thầu quốc tế muốn làm cao tốc, Trung Quốc đã chiếm 6

Còn 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến đến cuối tháng 9/2019 cũng sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Việc lựa chọn nhà thầu áp dụng hình thức đầu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn sơ tuyển quốc tế và giai đoạn đấu thầu.

Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của các Chủ đầu tư (bên mời thầu), đến hết ngày 16/5/2019 đã bán được 81 bộ hồ sơ mời sơ tuyển. 24 nhà đầu tư trong nước; 6 nhà đầu tư Trung Quốc; 2 nhà đầu tư Nhật Bản, 1 nhà đầu tư Pháp, 1 nhà đầu tư Hàn Quốc đã mua hồ sơ.

Bước sơ tuyển sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư có điểm xếp hạng cao nhất vào phòng đấu thầu. Theo Bộ GTVT, với đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng có vai trò rất quan trọng, trong khi, kinh nghiệm đấu thầu quốc tế của Việt Nam còn hạn chế.

Vì vậy, được sự chấp thuận của Thủ tướng, Bộ đã đấu thầu, lựa chọn tư vấn quốc tế để hỗ trợ quá trình xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu - dự thảo hợp đồng và hỗ trợ quá trình tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng.

“Quá trình lựa chọn nhà đầu tư không phát sinh các tình huống phải làm rõ, xử lý và sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan thì có thể khởi công các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong tháng 4/2020”, Bộ GTVT tính toán.

Bộ cũng cho hay, với tốc độ như hiện nay, đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng sẽ đạt khoảng 70% tổng khối lượng.

Có thể cuối năm 2020 khởi công xây sân bay Long Thành

Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo báo cáo, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp với tư vấn quốc tế khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) giai đoạn 1 bao gồm cả thiết kế nhà ga hành khách để trình Thủ tướng, Hội đồng thẩm định Nhà nước trong khoảng tháng 6 - 8/2019.

Sau đó, Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra vào cuối tháng 8/2019 để đến tháng 11/2019, QH thông qua FS giai đoạn 1. Công việc lựa chọn nhà thầu, rà phá bom mìn, lập thiết kế kỹ thuật, đầu thầu xây dựng, khởi công các hạng mục dự kiến thực hiện trong 3 năm (2020-2022).

“ACV phấn đấu để có thể khởi công dự án vào cuối năm 2020”, Bộ GTVT cho biết.

Với dự án giải phóng mặt bằng để xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo báo cáo, phần lớn diện tích đất cần bàn giao cho Bộ GTVT để xây dựng giai đoạn 1 là diện tích đất vườn cây cao su của Tổng công ty Cao su Đồng Nai (khoảng 1.099 ha) và khoảng gần 200 hộ dân nên có thuận lợi nhất định, đảm bảo tiến độ chung của dự án.

“Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng phần diện tích đất giai đoạn 1, phấn đấu bàn giao đất vào đầu năm 2020 để Bộ GTVT triển khai rà phá bom mìn và các công việc liên quan đến triển khai dự án”,  báo cáo nêu.

Bộ GTVT cho biết, rút kinh nghiệm trực tiếp từ quá trình thực hiện các dự án lớn trước đây, để tiến tới triển khai các dự án trọng điểm có quy mô lớn, Bộ đã ban hành thêm các văn bản hướng dẫn chung áp dụng triển khai đối với các dự án trọng điểm như: quy định kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình; sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án...

- Tại kỳ họp 4, QH khóa 14 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 với chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (trong đó, vốn Nhà nước 55.000 tỷ đồng; vốn huy động 63.716 tỷ đồng).

- Tại kỳ họp 9, QH khóa 13 thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Dự án đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa năm. Diện tích đất của dự án là 5.000 héc-ta

Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn đầu tư theo hình thức PPP…

Thảo Nguyên