Năm 1987, liên ngành gồm 6 đơn vị: UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì, Phòng Văn hóa huyện Thanh Trì và UBND xã Tứ Hiệp đã tiến hành xác định mốc giới bảo vệ chùa Văn Điển hay còn được gọi với tên khác là Quang Minh Tự.

Theo đó, tổng diện tích chùa là 10.461m2 (được hình thành dựa trên ba thửa đất là thửa 191 diện tích 8.724m2; thửa 192 diện tích 1.292m2; thửa 193 diện tích 445m2). Bản đồ xác định khu vực bảo vệ chùa đã được lập và được lãnh đạo các đơn vị nói trên ký và đóng dấu xác nhận.

Ngày 13/2/1996, Bộ Văn hóa - Thông tin có Quyết định số 310/QD/BT công nhận di tích chùa Văn Điển là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Hơn 20 năm, kể từ ngày đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa, diện tích đất nằm trong hành lang đỏ của chùa liên tục bị lấn chiếm. Trụ trì chùa Văn Điển Thích Giác Minh thống kê, hướng Tây của chùa, trong quá trình UBND xã Tứ Hiệp mở rộng đường đi của thôn có lấy vào đất chùa. Ở hai hướng Đông và Bắc bị nhiều hộ dân lân cận lấn chiếm.

Bức xúc trước thực trạng này, năm 2018, nhiều người dân và phật tử đã làm đơn gửi tới UBND xã Tứ Hiệp đề nghị làm rõ hành vi lấn chiếm trên. Trong số các hộ dân xâm hại di tích lịch sử có ông Phạm Duy Chiến đã thực hiện hành vi lấn chiếm vào ngay trong khuôn viên chùa thuộc tờ bản đồ số 06, thửa đất số 192.

Ngày 24/4/2019, UBND xã Tứ Hiệp ban hành Văn bản số 69/UBND-ĐC do ông Tạ Đăng Doanh, Chủ tịch UBND xã ký và đóng dấu gửi tới chùa Văn Điển và đại diện nhân dân, phật tử. Văn bản cho thấy, khu vực bảo vệ của chùa từ 10.461m2 ban đầu, nay chỉ còn 5.461m2 (hụt mất 5.000m2 như hồ sơ ban đầu của chùa). Lý do của sự hụt này, theo ông Doanh là có sự nhầm lẫn ở thửa đất số 191 vốn có diện tích 3.724m2 nhưng trong quá trình trích lục bản đồ để đề nghị xếp hạng, cán bộ thụ lý đã ghi nhầm thành 8.724m2!?

Về trường hợp của ông Phạm Duy Chiến, UBND xã công nhận ông Chiến đang lấn chiếm 15m2 vào một phần thửa đất số 192, tờ bản đồ số 06. Nhưng ông Tạ Đăng Doanh, Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp lại cho rằng ông Chiến đang lấn chiếm đất công do UBND xã quản lý? Vị Chủ tịch UBND xã thừa nhận, chính UBND xã Tứ Hiệp hướng dẫn các thủ tục cần thiết để đề nghị UBND huyện Thanh Trì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Chiến. Hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” của ông Chiến chỉ bị dừng lại khi người dân và phật tử có đơn tố cáo.

Văn bản số 69/UBND-ĐC do ông Tạ Đăng Doanh ký khiến trụ trì chùa và người dân không khỏi ngạc nhiên. Thay vì vội vàng kết luận về sự biến động quá lớn về đất đai, lên tới 5.000m2 thì UBND xã cần có báo cáo tới các cơ quan có thẩm quyền. Mục đích cuối cùng là để 6 đơn vị cùng ký tên vào việc xác nhận diện tích khu vực bảo vệ của chùa Văn Điển thời điểm năm 1987, trong đó cao nhất là UBND TP Hà Nội cùng bàn bạc, kiểm tra thực tế xem biến động này là do nhầm lẫn hay do buông lỏng quản lý đất đai của địa phương.

Vì sao thời điểm lập hồ sơ năm 1987 rồi thời điểm chùa Văn Điển được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996, diện tích đất khu vực bảo vệ vẫn là 10.461 m2 nhưng đến nay chỉ còn 5.461m2

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Đóa, thường trú tại xã Tứ Hiệp khẳng định, thời điểm trước đây chính ông là người lấn 79,47m2 ao chùa. Năm 2003, diện tích đất trên được ông nhượng lại cho ông Phạm Duy Chiến. Trong giấy chuyển nhượng ông Đóa cũng nói rõ, sau này nếu nhà chùa có đòi thì ông Chiến phải có trách nhiệm trả lại đất. Ông Đóa không đồng tình với diện tích 15m2 đất mà ông Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp cho rằng ông Chiến đang lấn vào đất của công, vì thực tế còn lớn hơn nhiều.

Trước phản ứng của nhà chùa và người dân, ngày 26/7/2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã có buổi làm việc với Trụ trì chùa Văn Điển, đại diện người dân, phật tử và UBND xã Tứ Hiệp. Tại buổi làm việc này, UBND xã Tứ Hiệp đã nâng con số lấn chiếm đất khuôn viên chùa của ông Chiến từ 15m2 lên thành 37,8m2. Đồng thời đề xuất bàn giao thêm 23,4m2 đất bờ mương do UBND xã quản lý, tiếp giáp với đất chùa cho nhà chùa quản lý. Như vậy, tổng diện tích vừa bàn giao, vừa được ông Chiến trả lại là 61,2m2. Trụ trì chùa Văn Điển không đồng ý với ý kiến này, đồng thời yêu cầu ông Chiến phải trả lại nhà chùa 79,47m2 đất.

Trao đổi với chúng tôi, nhà sư Thích Giác Minh cho biết, diện tích 23,4m2 mà UBND xã đề cập bàn giao cho chùa, tưởng làm cho ranh giới chùa mở rộng thêm, thực chất từ xưa đến nay phần đất này vẫn nằm trong phần tường bao thuộc khuôn viên, vẫn do nhà chùa quản lý. Theo nhà chùa và người dân, quá trình xây tường bao, chính UBND xã đã xây tường lùi vào trong, tự ý cắt đất chùa làm mương thoát nước. Nay phần mương này bị các hộ dân lấn chiếm hết, thậm chí nhiều công trình còn đua cả khoảng không trùm lên tường của chùa.

 Đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì làm rõ việc UBND xã Tứ Hiệp, người đứng đầu là ông Tạ Đăng Doanh, Chủ tịch UBND xã và cán bộ liên quan làm các thủ tục hợp thức hóa hồ sơ để đề nghị UBND huyện Thanh Trì cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đất cho cả phần lấn chiếm đất di tích lịch sử của ông Chiến. Mặt khác, làm rõ việc “biến mất” 5.000m2 đất thuộc khu vực bảo vệ chùa.

 Quý  - Hạnh