Những con số “ biết nói”

Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tich UBND tỉnh cho biết, sau 10 năm triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả nổi bật. Chương trình xây dựng NTM đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc và là chương trình trung tâm bao trùm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chương trình cũng đã lôi cuốn được người dân tích cực tham gia, tạo thành chương trình rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên.

Đến nay, cả tỉnh đã có 91 xã đã đạt 19 tiêu chí, trong đó 88 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, về cấp xã, tỉnh đã hoàn thành trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đề ra. Về cấp huyện, có 3/9 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tỉnh Thái Nguyên là tỉnh được Trung ương đánh giá dẫn đầu trong 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc về thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay các xã trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt 16,5 tiêu chí/1 xã và chỉ tiêu này cũng vượt xa so với các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

Mặt khác, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đồng bộ và có nét mới, đặc biệt là hệ thống giao thông đã đáp ứng được nhu cầu về sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân, các hạ tầng về đường, điện, trường, trạm, các hạ tầng phục vụ sản xuất, công trình thủy lợi cũng như hệ thống trường học, trạm xã cũng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Sản xuất nông nghiệp đã nâng thu nhập bình quân của người dân nông thôn lên hơn 38 triệu đồng/người/năm. Đây cũng là mức dẫn đầu trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thậm chí cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội được các địa phương quan tâm. An ninh trật tự được giữ vững tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và đối với phong trào xây dựng NTM.

"Trong những kết quả đã đạt được, cá nhân tôi tâm đắc nhất là việc làm đường giao thông nông thôn. Trong 10 năm qua, bằng các chính sách và huy động nguồn lực của tỉnh, toàn tỉnh xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được hơn 8.000km đường giao thông nông thôn các loại. Đến thời điểm hiện nay, toàn bộ các tuyến đường nối từ trung tâm xã đến huyện đã được cứng hóa xong, hầu hết các tuyến đường liên xóm cũng hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm quan Công ty Cổ phần Đầu Tư và Thương mại TNG . Ảnh: thainguyen.gov.vn

Huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc

Chương trình xây dựng NTM bắt đầu triển khai tại địa phương đặt ra rất nhiều những khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, chính vì vậy, tỉnh Thái Nguyên đã xác định huy động toàn bộ hệ thống chính trị, có sự cố gắng nỗ lực của tỉnh trên cơ sở các chính sách, nguồn lực của Trung ương. Từ đó, tỉnh Thái nguyên có các cơ chế, chính sách cụ thế đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM.

Giai đoạn 2011 - 2015: Hỗ trợ cho các xã điểm 2 tỷ đồng/xã, xã còn lại 600 hỗ trợ triệu đồng/xã để các xã có nguồn lực cho các địa phương chủ động. Bên cạnh đó, tỉnh đã dành ngân sách mỗi năm hỗ trợ 50.000 - 60.000 tấn xi măng.

Giai đoạn 2016 - 2020: Tỉnh đã đưa ra chính sách mạnh hơn, mỗi xã đạt chuẩn NTM sẽ hỗ trợ cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, bình quân hỗ trợ 4 tỷ đồng/xã; các xã xây dựng NTM kiểu mẫu: 2 tỷ đồng/xã; xã đã đạt chuẩn NTM: 300 triệu đồng/xã tiếp tục nâng cao tiêu chí; xã còn lại: 400 triệu đồng/xã.

Bên cạnh đó, mỗi năm tỉnh đã tăng hỗ trợ 100.000 tấn xi măng cho các địa phương, đây là chính sách hết sức phù hợp trong từng giai đoạn để đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM.

Ngoài ra, tỉnh có rất nhiều các cơ chế chính sách, các dự án cụ thể để hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng các đề án để hỗ trợ cho người dân, địa phương các mô hình sản xuất phát triển kinh tế của người dân.

Bên cạnh các chính sách của tỉnh thì các huyện có các chính sách thể đầu tư hỗ như: Hỗ trợ kinh phí mua vật liệu khác chủ yếu (đá, cát, xi măng, ống cống,…), sửa chữa cải tạo các nhà văn hóa, xây dựng NTM kiểu mẫu, vườn mẫu...

Đặc biệt, việc cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, đưa nhà máy về nông thôn, đồng thời góp phần cùng chính quyền địa phương đầu tư các công trình hỗ trợ nông dân.

Tại Thái Nguyên, trong 10 năm qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã đầu tư nhà máy về Sông Công, Phú Bình và Đồng Hỷ, đã tạo ra doanh thu hơn 4.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động... Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư giúp cho bà con làm đường, làm các công trình văn hóa...

Huy động, thu hút các doanh nghiệp đầu tư

Trong thời gian tới, các cấp chính quyền cũng như người dân xác định quan điểm: Xây dựng NTM là có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân để người dân nắm được tinh thần NTM của từng giai đoạn. Trong công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng phải tích cực vào cuộc để có thể huy động tổng lực các nguồn lực của xã hội đầu tư cho chương trình xây dựng NTM.

Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, cần quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Việc nâng cao thu nhập cho người dân cũng là định hướng của tỉnh trong thời gian tới; thực hiện tốt các chính sách của Trung ương trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là các chính sách huy động và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Đối với các địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM cần tiếp tục nâng cao các tiêu chí, đặc biệt nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần của người dân; nâng xã đạt chuẩn NTM thành xã NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao.

Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đảm bảo công tác an ninh trật tự ở các vùng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi nhất phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc, khơi dậy tinh thần dân tộc của nhân dân ở vùng nông thôn, cũng như vùng sâu, vùng xa, tạo nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ở các vùng nông thôn…

Bảo Anh