Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ tháng 1 - 2/2019, bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn xảy ra tại 65 hộ, 30 xã, 8 huyện, thành phố, thị xã tổng số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy 894 con. 

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện từ ngày 5/3/2019, tính đến ngày 15/10/2019, đã phát hiện tại 17.144 hộ, 2.247 thôn xóm, 175 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố, thị xã với tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc tiêu hủy là 158.574 con, trọng lượng 9.246.933 kg. 

Trong những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 (vụ Đông Xuân), do thời tiết, khí hậu có nhiều thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.

Thực hiện Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 1/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cảnh báo sâu rộng tới các địa phương, người chăn nuôi về nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, tái phát dịch trong thời gian tới, đặc biệt là các bệnh: DTLCP, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm...

UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng, kiểm tra, theo dõi, nắm bắt và tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu vận chuyển trái phép trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo và giao trách nhiệm UBND các xã, phường, thị trấn, trưởng xóm, tổ dân phố tăng cường công tác kiểm tra tại các ao, hồ, sông suối, các hồ đập nhằm phát hiện việc vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vứt xác động vật ra ngoài môi trường theo quy định, nếu địa phương nào không kiểm tra, không đôn đốc, chỉ đạo để xảy ra hiện tượng trên thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Thành lập các đoàn kiểm tra do lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã làm trưởng đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; chấn chỉnh công tác thú y tại cơ sở, đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu theo đúng quy định; chỉ đạo xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020. 

Về phía Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh cũng cần phân công thành viên phụ trách các địa phương tăng cường kiếm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh..

Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tăng cường quản lý công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt đối với các cơ sở có hoạt động thu gom, giết mổ lợn; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là việc thu mua lợn ốm, lợn có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để giết mổ, vận chuyển sang địa phương khác làm lây lan dịch bệnh; tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở, địa phương xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống, dịch và xuất bán các sản phẩm chăn nuôi.

Tổng hợp tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, bấp cập để kịp thời tháo gỡ, giải quyết, định kỳ ngày 25 tháng cuối quý báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương: Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh.

Thái Hải