Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Tám cho biết: Dự án đường Vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 64km, trong đó đã đầu tư xây dựng đưa vào khai thác hơn 50km, đang triển khai đầu tư xây dựng 2,75km (đoạn 3) và còn 11,15km chưa đầu tư xây dựng (đoạn 1, 2 và 4).  

UBND TP chấp thuận bố trí vốn ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng đoạn 1, 2 và giao quận 9, Thủ Đức thực hiện thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư công.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư công. Sau khi chủ trương đầu tư dự án được thông qua sẽ lập, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án, tổ chức thi công…

Đối với Dự án đường Vành đai 3 đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An, tổng chiều dài khoảng 89,3km, đã đầu tư xây dựng đưa vào khai thác 16,3km (đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn)…

Dự án thành phần 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) dài 8,75km (địa phận TP Hồ Chí Minh dài 2,45km, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 149 tỷ đồng) đã được thông qua chủ trương đầu tư và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư. Hiện quận 9 đang lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án thành phần 1B (từ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Thủ Đức trên Xa lộ Hà Nội) thuộc địa phận TP dài 8,96km, đầu tư theo hình thức BOT, chưa bàn giao ranh, mốc dự án…

Phát biểu kết luận buổi giám sát, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng: Dự án đường Vành đai 2 và 3 triển khai thực hiện quá chậm so với kế hoạch đề ra; công tác phối hợp của các đơn vị chưa chặt chẽ, thông tin báo cáo chưa thống nhất, dự kiến thời gian tiến độ sắp tới vẫn chưa xác định được.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đề nghị các sở, ngành có báo kế hoạch lộ trình cụ thể tiến độ, thời gian thực hiện của từng đơn vị trong việc triển khai thực hiện dự án này.

Thiên Lý