Đề xuất chưa phù hợp với thực tiễn

Về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được công bố, ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH, đại diện tổ soạn thảo cho biết, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều.

Ngoài những nội dung mới đã được đưa ra, lấy ý kiến các bộ ngành trong dự thảo lần 1 như vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu, vấn đề thương lượng tập thể, xây dựng tổ chức cho người lao động... dự thảo lần này bổ sung nhiều nội dung mới như bổ sung ngày nghỉ lễ 27.7 cho người lao động; thực hiện rút ngắn thời gian nghỉ tết chỉ còn 5 ngày; nâng khung làm thêm giờ tối đa lên 400 giờ/năm; thống nhất giờ làm chung trong cả nước...

Một trong những nội dung đáng chú ý, được nhiều người quan tâm nhất lúc này chính là đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8 giờ 30.

Ông Thiện cho rằng, hiện thời gian làm việc các cơ quan nhà nước thuộc T.Ư và địa phương không có sự thống nhất, mỗi nơi một giờ. Tại các cơ quan T.Ư, giờ làm việc bắt đầu lúc 8 - 12 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu giờ làm việc buổi sáng từ 7 giờ và nghỉ trưa lúc 11 giờ (mùa hè) hoặc 7 giờ 30 - 11 giờ 30 (mùa đông). Chiều từ 13 - 17 giờ hoặc từ 13 giờ 30 - 17 giờ 30. Ngay tại Hà Nội, giờ làm việc của các cơ quan nhà nước cũng khác nhau.

“Ở các quốc gia, giờ làm việc của cơ quan hành chính tùy thuộc vào điều kiện mỗi nước, nhưng đa số là thống nhất. Bộ máy hành chính nhà nước phải chạy thông suốt từ T.Ư đến địa phương, ít nhất là giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi. Đối tượng của cơ quan hành chính là người dân nên cần công khai giờ làm việc thống nhất để người dân và doanh nghiệp biết, không thể để mỗi nơi một giờ như hiện nay” – ông Thiện nói.

Trước đề xuất này, một số cá nhân lại cho rằng đề xuất chưa phù hợp với thực tiễn. Theo ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), không cần thiết phải thống nhất giờ làm việc chung trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Điều này không phù hợp với thực tế chung của từng địa phương.

Ví dụ, ở cấp xã, cấp huyện trong cơ quan hành chính làm việc vào 8 giờ 30 thì sẽ không phù hợp vì ở các tỉnh này dân cư thưa, không có tình trạng tắc đường, có thể đẩy giờ làm việc chính lên sớm hơn. Trong khi đó, ở các tỉnh thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM... dân cư đông, tình trạng tắc đường, kẹt xe liên tục thì có thể làm việc muộn hơn. Riêng giờ làm việc ở trường học, doanh nghiệp thì có thể quy định riêng.

Về phía người dân, chị Nguyễn Hương Liên (viên chức làm việc tại Bưu điện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, quy định làm việc từ 7 giờ (mùa hè) và 7 giờ 30 vào mùa đông như ở địa phương chị hiện nay là rất hợp lý.

“Thời gian đi làm cần sớm sủa vì người dân ở quê thường dậy sớm, tranh thủ đi ra xã, huyện giao dịch, làm giấy tờ rồi còn về nhà kịp ra đồng. Thêm vào đó, trưa nghỉ làm 2 tiếng là rất phù hợp vì chúng tôi còn phải về đưa đón con, nấu cơm,  ăn trưa. Nếu đi làm muộn hơn (8 giờ 30) và nghỉ làm muộn hơn, trưa được nghỉ có 1 tiếng thì rất khó khăn” – chị Liên nói.

Nhiều nội dung chưa nhất quán

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng nhiều nội dung của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn chưa nhất quán, thậm chí “ngược nhau”.

Ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Quan điểm làm luật không được ngược nhau. Lúc đề xuất có thêm 1 ngày nghỉ là ngày 27.7, Bộ viện dẫn là vì số ngày nghỉ của lao động ít, nhưng đến mục thực hiện chế độ nghỉ tết lại có phương án rút ngày nghỉ tết xuống còn 5 ngày và không được nghỉ bù kể cả trùng vào ngày cuối tuần với lý do là số ngày nghỉ tết dài làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Thật quá mâu thuẫn”.

Theo ông Huân, điều quan trọng là tổ soạn thảo phải đánh giá được tác động của những đề xuất, kiến nghị trong dự thảo tới sự phát triển của kinh tế - xã hội.

“Tôi cho rằng lương cao, nghỉ nhiều thì ai cũng thích nhưng quan trọng là tiền của Nhà nước, tiền của doanh nghiệp được sử dụng thế nào. Anh đang nghèo, đang kém phát triển thì anh phải làm việc nhiều hơn để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Thực tế ở Việt Nam chỉ có thể kéo dài thời gian làm việc để nâng cao năng suất lao động, nhất là với những ngành đặc thù sử dụng nhiều lao động” – ông Huân nói.

Ông Huân cho rằng, người lao động đi làm việc vất vả, nhiều người đi làm ăn xa cả năm chỉ trông chờ tết để về quê một lần, giờ rút ngắn thời gian nghỉ tết sẽ tạo nhiều áp lực cho việc đi lại, giao thông khiến lao động càng vất vả hơn. 

“Không phải vấn đề mọi người nói gì anh cũng đưa vào. Phải đánh giá tác động, phân tích lợi hại, cân nhắc trước khi đưa vào” – ông Huân nói thêm.

Xung quanh ý kiến cho rằng có một số nội dung còn mâu thuẫn thậm chí là chưa thống nhất, ông Thiện cho rằng, đây cũng mới chỉ là dự thảo. Tới đây sau khi lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, người dân... thì tổ soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội để xem xét thông qua vào cuối năm 2019. 

Theo Nguyệt Tạ/Dân Việt