Mục tiêu của kế hoạch nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là các mô hình văn hóa, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần hạn chế và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. 

Bên cạnh đó, gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các phong trào Trung ương, thành phố phát động; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao và hoạt động văn hóa ở cơ sở góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.

Toàn thành phố phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành các chỉ tiêu: 88% số hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 62% số làng, thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”; 72% số tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”; trên 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận và giữ vững danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; 50% số xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 30% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% thôn, làng có nhà văn hóa, khu thể thao; 80% tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt văn hóa. 

Qua đó, tiếp tục giữ vững, phát huy những thành tích đạt được trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào giai đoạn 2011 - 2015, triển khai các nội dung phù hợp điều kiện thực tiễn của Thủ đô, gắn với thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2016 - 2020”.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, toàn thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với 5 nội dung: Đoàn kết giúp nhau “Xóa đói giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh và 7 phong trào: Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”; xây dựng “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào học tập, lao động, sáng tạo; xây dựng “Người tốt việc tốt”, các điển hình tiên tiến. 

Thành phố sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hiện các cuộc vận động, phong trào văn hóa gắn với thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ. 

Các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện phong trào. 

Trong đó, Sở Y tế Hà Nội có nhiệm vụ hoàn thiện các mô hình văn hóa sức khỏe (gia đình, làng, tổ dân phố sức khỏe) góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng; phòng ngừa và ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh, nhất là đại dịch HIV/AIDS. 

Thực hiện các quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của ngành Y tế được ban hành kèm theo Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT ngày 18/8/2008 của Bộ Y tế nhằm nâng cao y đức của người thầy thuốc trong khám, chữa bệnh. 

Đẩy mạnh phong trào xây dựng “Bệnh viện tình thương - Khoa, phòng văn hóa”; “Đổi mới phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”… theo những tiêu chí do ngành đề ra.

Thương Lê