Trước khi QH biểu quyết thông qua, thảo luận ở hội trường, ĐB Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng quan trọng cần được gia đình và cả xã hội bảo vệ. Song thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em, gióng lên hồi chuông cảnh báo cần 1 cơ chế bảo vệ, tạo lá chắn vững chắc hơn.

“Xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực học đường vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây bức xúc trong xã hội”, nữ ĐB nói và dẫn số liệu thống kê, trong 2 năm 2017-2018 và quý I/2019 toàn quốc xảy ra 3.499 vụ với 3.546 trường hợp trẻ em bị xâm hại bị phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Theo bà Phương, những hành vi xâm hại trẻ em khi chạm ngưỡng hình sự mới bị xử lý. Do đó những con số nêu trên có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Đáng lo ngại, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với 21,3%, gần 60% trẻ em bị xâm hại bởi hàng xóm, người quen; ước tính khoảng 68,4% từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất 1 hình phạt về thể chất hoặc tâm lý bởi người thân trong gia đình. “Tính chất vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ báo động về suy đồi đạo đức”, ĐB đoàn Bắc Kạn cảnh báo.

Chung ý kiến, theo ĐB Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà), điều quan trọng nhất mà cử tri, nhân dân quan tâm đó là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành.

"Nhiều người thắc mắc tại sao chúng ta có nhiều cơ quan, từ Trung ương tới cơ sở tham gia mà tình trạng xâm phạm trẻ em vẫn diễn ra", ông Thân nói và cho rằng, cần mở rộng phạm vi giám sát, có những biện pháp để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016.

Hương Giang