Theo ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, vùng có dịch TLCP được ghi nhận tại thị trấn Thạnh Mỹ và xã Tà Bhing với 20 con lợn bị nhiễm bệnh.

UBND huyện Nam Giang đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển và giết mổ lợn trên địa bàn 2 địa phương trên; đồng thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tổ chức tiêu hủy theo quy định toàn bộ số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết tại vùng dịch; tổ chức chốt chặn, kiểm tra liên ngành về việc giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn tại vùng dịch, vùng uy hiếp theo quy định.

Trước diễn biến dịch TLCP ngày càng phức tạp, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3174/UBND-KTN yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, TP tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống bệnh dịch TLCP trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Thông báo số 197/TB-UBND ngày 30/5/2019 của UBND tỉnh về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp truyền hình trực tuyến với các địa phương để triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch TLCP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo các ban ngành, chính quyền địa phương cấp xã thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh để kịp thời phát hiện, chỉ đạo thực hiện tiêu hủy lợn bệnh khi có dịch xảy ra đảm bảo theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân; giám sát chặt chẽ việc cân đo, khai báo số lượng, trọng lượng lợn tiêu hủy hằng ngày trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp khai khống nhằm trục lợi chính sách gây thiệt hại ngân sách Nhà nước. 

Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng này trên địa bàn.  

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh củng cố, kiện toàn hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y; nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các ngành, địa phương khẩn trương rà soát lại các cơ chế chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật đã ban hành để kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Công an tỉnh chủ trì điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời ngăn chặn, răn đe và phòng ngừa chung.

N.P