UBND Quảng Bình đã yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục huy động nguồn lực, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, kiên quyết xử lý không để dịch kéo dài, lan rộng, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi; tổ chức thực hiện tiêm phòng bổ sung đợt 2 năm 2019, trong đó chú trọng vùng có ổ dịch cũ, có nguy cơ cao; tập trung triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 3 năm 2019.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, các cơ sở buôn bán, giết mổ, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào địa bàn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, theo Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh, dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Quảng Bình được phát hiện tại huyện Minh Hóa vào giữa tháng 6/2019. Sau đó, dịch bệnh đã bùng phát ở 40 xã, phường thuộc 6 huyện: Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ và TP Đồng Hới.

Tính đến cuối tháng 11/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 293 hộ/134 thôn của 51 xã, phường thuộc 8/8 huyện, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh tiêu hủy là trên 2.300 con, trọng lượng tiêu hủy gần 119.000kg. Do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, tổng đàn đàn lợn toàn tỉnh Quảng Bình hiện giảm mạnh đến 30% và dẫn đến hệ lụy là giá thịt lợn trên thị trường hiện đang tăng rất cao.

Duy Hưng