Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông cũng như tầm quan trọng của tính đa dạng, phong phú trong công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTHTL cho biết, trong thời gian qua, các hỗ trợ của Quỹ PCTHTL tập trung vào hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc tại các cơ quan, đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tính đến nay, Quỹ đã và đang hỗ trợ 26 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 10 bệnh viện thực hiện các hoạt động về PCTHTL.

Từ năm 2014 đến nay, Quỹ PCTHTL đã hỗ trợ các tỉnh/thành phố tổ chức gần 8.000 buổi truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá và quy định pháp luật về PCTHTL, hơn 1.000 buổi truyền thông lưu động tại cộng đồng với hệ thống loa tuyên truyền, truyền thông lưu động tại xã, phường, làng bản, nói chuyện chuyên đề tại các cơ sở y tế. Rất nhiều các hình thức truyền thông đa dạng như: Sân khấu hóa, phát tờ rơi, hò vè, đóng kịch tương tác đã được thực hiện. Gần 13.000 bản tin, tọa đàm, chương trình khoa giáo, phóng sự được phát trên đài phát thanh truyền hình hệ thống loa phát thanh xã, phường - một hình thức truyền thông thiết thực và gần nhất với người dân. Với 111.833 lần phát sóng thông điệp truyền thông loa trên loa xã, phường, hoạt động truyền thông qua hình thức này đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin hằng ngày cho người dân về tác hại của thuốc lá, các chính sách pháp luật về PCTHTL.

“Với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các tỉnh/thành phố và các tổ chức, công tác xây dựng môi trường không khói thuốc đang ngày càng được mở rông. Nhân thức về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động được nâng cao và duy trì, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng như trường học, nơi làm việc, trên phương tiện giao thông công cộng có những chuyển biến tích cực”, ông Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Nghiên cứu đánh giá hằng năm đối với các chiến dịch truyền thông PCTHTL được thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2018 được tiến hành độc lập bởi tổ chức Y tế cộng đồng Vital Strategies đã cho thấy các chiến dịch truyền thông giai đoan 2014 - 2018 đã có tác động tích cực đến thái độ và hành vi của cả người hút thuốc và người không hút thuốc, khuyến khích người hút thuốc không hút gần mọi người và cố gắng bỏ thuốc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, số người hút thuốc nhận được lời khuyên bỏ thuốc từ các thành viên gia đình họ tăng từ 44% năm 2017 lên 50% năm 2018. 70% số người hút thuốc đã cố gắng để bỏ thuốc và hơn 60% người không hút thuốc đã có cố gắng nhắc và khuyên người hút thuốc bỏ thuốc.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ, trong 5 năm vừa qua cũng có sự tăng đáng kể hiểu biết về tác hại của hút thuốc lá thụ động, 96% những người không hút thuốc đều nói rằng họ quan tâm đến sức khỏe của con họ khi họ hút thuốc gần con mình. Hơn 90% cho biết mọi người nên yêu cầu người hút thuốc không hút thuốc gần người khác. Bên cạnh đó, kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 thấy so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc chung của nam giới khu vực thành thị giảm 5%. Theo ông Lương Ngọc Khuê, kết quả này là những chỉ số bền vững và đặt nền móng cho những triển vọng công tác PCTHTL tại Việt Nam trong những năm tới.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo Quỹ PCTHTL, tỷ lệ hút thuốc giảm nhưng Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Trung bình có khoảng 40.000 ca tử vong hàng năm liên quan đến sử dụng thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm khoảng 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, trong đó, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Khẳng định vai trò của truyền thông trong công tác PCTHTL, đại diện Quỹ PCTHTL cho rằng, thời gian tới báo chí cần tăng cường, chủ động cập nhật các thông tin về tình hình hoạt động PCTHTL trên thế giới và trong nước. Bên cạnh việc viết tin, bài theo phương pháp truyền thống, nên có những cách viết, cách tiếp cận để có thể gây sự chú ý hơn của cộng đồng, tạo ra những tranh luận về bài báo từ đó giúp việc truyền thông có hiệu quả sâu sắc hơn đối với cộng đồng.

Đối với những đơn vị sản xuất thuốc lá và những người hút thuốc chưa nhận thức đầy đủ và không mong muốn chính sách phòng chống thuốc lá được thực hiện một cách mạnh mẽ và hiệu quả thì việc chỉ tuyên truyền hút thuốc có hại cho sức khỏe trong khi thuốc lá bán ở khắp mọi nơi, giá rẻ, dễ tiếp cận, bán cho mọi đối tượng sẽ rất khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có các biện pháp đồng bộ như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh, sản xuất và tiêu thụ thuốc lá; nhân rộng các mô hình không khói thuốc đã thực hiện tốt tại cộng đồng; quản lý chặt chẽ chính sách về giá, thuế tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam... Bên cạnh đó, rất cần ý thức tự giác của mỗi cá nhân trong cộng đồng cùng chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc.

 PV