Khổ… vì cây sắn

Được Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận giới thiệu, chúng tôi đến xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn để ghi nhận thực tế về tình trạng khảm lá trên cây sắn của bà con nông dân.

Theo ghi nhận, hiện đã qua vụ thu hoạch sắn, nhưng nhiều hộ gia đình đang lao đao vì chưa bao giờ bị thất thu như năm nay. Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, ngụ xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn, vụ sắn đông xuân 2018 - 2019 đã đầu tư khoảng 40 triệu đồng để trồng 2,2ha sắn. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, gia đình chị chỉ thu lại được 7 triệu đồng.

Dẫn chúng tôi ra rẫy sắn, chị Hoa buồn bã nói: “Gia đình tôi xuống giống sắn được hơn 2 tháng thì phát hiện cây bị bệnh khảm lá, thời điểm thu hoạch cây sắn gần như không có củ hoặc củ rất nhỏ, 2,2ha gia đình tôi chỉ thu hoạch được khoảng 3 tấn. Tiền đầu tư coi như bị lỗ đậm”.

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình chị Hoa, hộ chị Huỳnh Thị Kim Thuận, ngụ xã Hòa Sơn, cũng đang điêu đứng, khi thu hoạch 6 sào sắn chỉ được 300kg, bán được vẻn vẹn 200.000 đồng. Chị Thuận than thở: “6 sào sắn từ đầu vụ đến khi thu hoạch phần lớn diện tích cây không có củ, năm nay lỗ nặng”.

Tại những vùng trồng sắn ở huyện Ninh Sơn và Bác Ái, bệnh khảm lá sắn đang gây ra cho nông dân nhiều thiệt hại nặng nề, chưa năm nào người trồng sắn lao đao như năm nay.

Bà con nông dân cho hay, những năm trước, nông dân trồng sắn thường dùng giống thuần chủng của địa phương như: KM94, KM95, KM228… thì cây sắn ít bị sâu bệnh và sắn cho năng suất rất cao. Năm nay do giống sắn bị thiếu nên bà con sử dụng giống HLS11 và KM419 của các đầu nậu mua ở một số tỉnh như: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai… về trồng. Sau khi cây sắn phát triển được 1 tháng thì phát hiện bị nhiễm bệnh. Thời điểm thu hoạch, cây sắn gần như không có củ để tích trữ tinh bột, dẫn đến giảm năng suất và chất lượng. 

Xác nhận về vấn đề này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, bệnh khảm lá sắn phát hiện từ tháng 8/2018 trong giai đoạn cây con trồng khoảng từ 20 - 25 ngày, gây ra thiệt hại với diện tích 442,3ha, tính đến thời điểm hiện nay phát hiện thêm 5ha bị nhiễm bệnh.

Cây sắn nhiễm bệnh sẽ có ít củ, củ phát triển kém, giảm năng suất và chất lượng. Ảnh: Khoa Lê

 

Bệnh khảm lá - mối đe dọa của nông dân

Lý giải về bệnh khảm lá sắn, ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận phân tích: “Bệnh khảm lá sắn do loại vi-rút có tên Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) gây ra. Bệnh lây lan rộng là do loài bọ phấn trắng truyền bệnh từ cây bị nhiễm sang cây khác, hiện tại không có thuốc phòng trừ đặc hiệu. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh khảm lá là do một phần nông dân đã chuyển những diện tích trồng mía sang trồng sắn; mặt khác nông dân mua hom giống nhiễm bệnh từ các địa phương khác về trồng”.

Ông Dũng cũng khuyến cáo: “Muốn ngăn chặn được dịch bệnh khảm lá sắn, ngành Nông nghiệp tỉnh này đang khuyến cáo nông dân cần chọn giống kháng bệnh và giống ít nhiễm bệnh, không trồng các giống nhiễm bệnh nặng như: HLS11, KM419… trong niên vụ tiếp theo.

Ngoài ra, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, tổng diện tích sắn của Ninh Thuận có 4.300ha. Muốn dập được dịch bệnh, nông dân cần chủ động nhổ cây, thu gom và tiêu hủy toàn bộ sắn nhiễm bệnh khảm lá, với các ruộng sắn có tỷ lệ bệnh trên và dưới 70%; còn các ruộng sắn có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ, còn thân lá phải đem tiêu hủy.

Bệnh khảm lá trên cây sắn được phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 5/2017 tại tỉnh Tây Ninh. Tính đến tháng 10/2018, bệnh này lan rộng và gây hại tại 12 tỉnh, thành trong cả nước, với tổng diện tích nhiễm bệnh gần 42.000ha. Khi bị nhiễm bệnh, năng suất sắn giảm từ 30-40%.

Khoa Lê